Hướng dẫn

Đến Quảng Bình, đừng quên ghé thăm 5 di tích lịch sử này

Các di tích lịch sử đáng tham quan ở Quảng Bình đưa du khách vào hành trình khám phá văn hóa lâu đời và những di sản quý giá của đất trời miền Trung. Nơi đây không chỉ là vùng đất có bờ biển dài mà còn là kho tàng lịch sử với những di tích mang giá trị văn hóa sâu sắc, là những chứng nhân sống động về quá khứ huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Hãy cùng khám phá những điểm đến này để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hoá và lịch sử đặc biệt của Quảng Bình.

1. Quảng Bình Quan

Quảng Bình Quan vốn là một trong các cửa lũy của hệ thống chiến lũy kéo dài từ chân núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ mà dân gian thường gọi là Lũy Thầy, do nhà quân sự thiên tài Đào Duy Từ thiết kế và cho khởi công xây đắp từ năm 1631, nhằm giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống lại sự tấn công của quân Trịnh ở Đàng Ngoài trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh. Lũy được tu sửa vào năm 1824, khi vua Minh Mạng cho xây thành Quảng Bình bằng gạch đá thay cho thành đắp đất trước kia, sửa lũy Nhật Lệ và đặt tên cho cửa lũy là Quảng Bình Quan. Đến năm 1825, Quảng Bình Quan được xây bằng gạch đá. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Quảng Bình quan ở phía đông trong trường thành Định Bắc, cửa quan dài 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước. Thành ngoài hộ vệ, cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) xây đá, năm thứ 17 (1836) đúc Cửu đỉnh, lấy hình tượng khắc vào Nghị đỉnh”.

Qua các thời kỳ lịch sử, Quảng Bình Quan đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Đây là nơi người dân Đồng Hới và các vùng lân cận tập trung vào đêm 22 rạng ngày 23/8/1945 trước khi kéo vào nội thành cướp chính quyền. Khi thực dân Pháp chiếm đóng thị xã Đồng Hới, chúng đã dùng Quảng Bình Quan làm vọng gác kiểm soát giao thông của ta. Năm 1954, trước khi rút quân khỏi Đồng Hới, chúng nổ mìn phá hủy nhiều vị trí quan trọng của thị xã, trong đó có một phần của Quảng Bình Quan. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, thị xã Đồng Hới nằm trong vùng trọng điểm bị địch bắn phá dữ dội, nhà cửa, di tích gần như bị san phẳng trong đó có Quảng Bình Quan. Kết thúc chiến tranh, cùng với việc khôi phục, kiến thiết lại quê hương, Quảng Bình Quan và nhiều công trình văn hóa đã được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, phục chế. Năm 1992, Quảng Bình Quan đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Quảng Bình Quan là một trong những chứng tích lịch sử của các triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của tỉnh Quảng Bình. Với bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi, Quảng Bình Quan là địa điểm du lịch thu hút du khách khi về thăm thành phố Đồng Hới. Đến với Quảng Bình Quan, du khách được hiểu thêm về di tích lịch sử quốc gia Lũy Thầy gắn liền với cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn (1627 – 1672), hệ thống chiến lũy giúp các chúa Nguyễn thực hiện việc phòng thủ, bảo vệ xứ Đàng Trong, tiếp tục mở rộng cương vực xuống phía Nam thống nhất non sông lập nên vương triều nhà Nguyễn (1802 – 1945); cùng những biến cố thăng trầm qua các thời kỳ lịch sử trên mảnh đất Quảng Bình; kiến trúc cổ kính, uy nghi, phủ bóng thời gian mô phỏng theo kiến trúc cửa và cầu của Kinh thành Huế,…

Quảng Bình Quan hiện nay nằm ở vị trí trung tâm thành phố Đồng Hới, ngay sát quốc lộ 1A, do vậy du khách có thể đến với di tích một cách thuận lợi bằng các phương tiện di chuyển trong nội thành. Du khách hoàn toàn chủ động sắp xếp lịch trình tham quan di tích phù hợp với bất kỳ khung giờ nào trong ngày.

Quảng Bình Quan là nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.
Quảng Bình Quan là nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.

2. Bến phà Gianh

Di tích lịch sử bến phà Gianh nằm ở hạ lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km (bến phà I) và 5 km (bến phà II). Trên quốc lộ 1A, bến phà Gianh ở tại km 625 + 500, cách Hà Nội khoảng 460 km về phía Nam. Du khách đi theo đường thiên lý Bắc – Nam, đến cầu Gianh nhìn về phía cửa biển là có thể nhìn thấy di tích.

Chảy từ Tây sang Đông, sông Gianh là ranh giới chia cắt đất nước trong cuộc chiến tranh giữa hai thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn. Đầu thế kỷ XX, để thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã củng cố, đổ cấp phối đất sét nện, xây cầu cống và bến phà cho trục đường thiên lý Bắc – Nam và gọi là Đường Thuộc địa số 1 (Route Coloniale N01) sau này trở thành Quốc lộ 1A. Bến phà Gianh nằm trên đoạn Quốc lộ 1 đi qua Quảng Bình. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng khôi phục hoạt động của bến phà để phục vụ cuộc sống của nhân dân.

Năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Quảng Bình, đoạn Quốc lộ 1 từ bờ bắc phà Gianh trở ra bị du kích ta phá hoại để giặc Pháp không thể sử dụng được. Bến phà Gianh ngừng hoạt động.

Năm 1954, hòa bình lập lại, thực hiện kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bến phà Gianh nhanh chóng được khôi phục.

Năm 1960, để đáp ứng yêu cầu cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Giao thông Vận tải quyết định xây bến phà Gianh mới (hay là bến phà II), chuyển lên phía thượng lưu, cách bến phà cũ 5 km với quy mô lớn hơn. Bến phà mới nối xã Quảng Thuận (thuộc Ba Đồn ngày nay) và xã Hạ Trạch (Bố Trạch); bến phà cũ (bến phà I), nối xã Quảng Phúc (thuộc Ba Đồn ngày nay) và xã Thanh Trạch (Bố Trạch).

Năm 1964, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Các khu vực như cửa Roòn, cửa Gianh của Quảng Bình bị đánh phá ác liệt. Những năm 1965 – 1968 và 1972 là thời gian có tính thử thách và khắc nghiệt nhất đối với bến phà Gianh. Không quân, hải quân Mỹ đã đánh vào nơi đây 2.791 trận, dội xuống hàng nghìn tấn bom đạn. Bình quân mỗi m2 mặt nước và mặt bến phà phải hứng chịu 1 tấn bom đạn của đế quốc Mỹ. Dù gặp vô vàn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ khu vực bến phà Gianh vẫn đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, chi viện kịp thời cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Hàng chục ngàn chuyến phà đã vượt sông Gianh, chuyên chở khoảng 2 triệu lượt xe, hàng triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam ra Bắc,… Bến phà Gianh được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 3518-1998/QĐ ngày 4/12/1998 của Bộ trưởng Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTTDL).

Ngày nay, để thuận tiện nhất, du khách có thể đến bến phà Gianh bằng xe ô tô theo quốc lộ 1A, chiêm ngưỡng một trong những dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Bình đã đi vào lịch sử như dấu ấn khắc khoải của một thời đất nước bị chia cắt “Sông Gianh nước chảy đôi dòng / Đèn chong đôi ngọn biết trông ngọn nào”; đồng thời có thể tham quan di tích chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và các di tích lịch sử khác của một thời lửa đạn. Từ sông Gianh, du khách còn có thể tiếp cận các tour, điểm du lịch tuyệt đẹp khác như tuyến đường Ba Trại – Thọ Lộc, đi thuyền ngược nguồn sông Gianh lên Phong Nha,…

3. Bến đò và Tượng đài Mẹ Suốt

Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 ở xóm vạn chài làng Phú Mỹ (nay thuộc Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, từ thuở nhỏ mẹ đã phải đi ở đợ cho nhà giàu, làm thuê làm mướn quanh năm. Cách mạng tháng Tám thành công giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương và mang đến cuộc đời mới cho mẹ. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, lúc này mẹ Suốt đã 60 tuổi nhưng với tình yêu quê hương tha thiết, theo tiếng gọi của cách mạng, mẹ xung phong nhận một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm trong sự đánh phá ác liệt của máy bay và hải quân Mỹ; đó là chèo đò ngang qua sông Nhật Lệ – một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: Phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, tải thương và giao thông đi lại.

Trong khói lửa đạn bom, hình ảnh người mẹ già tóc trắng bạc phơ kiên cường gò lưng chèo đò trên chiếc đò ngang bé nhỏ để đưa bộ đội qua sông, bất chấp hiểm nguy cận kề, đạn bom rít trên đầu, dòng sông Nhật Lệ cuộn sóng sục sôi đã làm rung động bao trái tim người Việt Nam yêu nước. Đặc biệt, ngày 7/2/1965, tức ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ, giặc Mỹ đã huy động 160 lần máy bay phản lực hiện đại ồ ạt tấn công đánh phá các vùng lân cận và thị xã Đồng Hới; mẹ Suốt vẫn anh dũng xuyên qua mưa bom bão đạn để hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn của người dân Bảo Ninh nói riêng, tỉnh Quảng Bình và cả nước nói chung. Nhà thơ Tố Hữu đã dựng nên một tượng đài bằng thơ cho mẹ:

Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày

Ngày 1/1/1967, mẹ Suốt được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động với chiến công hiển hách phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gần 2 năm sau đó, ngày 11/10/1968, mẹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Ghi nhớ công lao và tôn vinh hình tượng người mẹ anh hùng của quê hương Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình đã dựng Tượng đài Mẹ Suốt ngay bên dòng sông Nhật Lệ với dáng đứng hiên ngang đã đi vào huyền thoại “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung / Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”; di tích Bến đò Mẹ Suốt ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh cũng được bảo tồn như một khúc tráng ca về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm của phụ nữ Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Di tích Bến đò và Tượng đài Mẹ Suốt nằm ở ngay trung tâm thành phố Đồng Hới. Du khách có thể tiếp cận di tích bằng các phương tiện công cộng di chuyển trong nội thành. Từ di tích, có thể kết nối với các điểm du lịch khác trong city tour quanh thành phố như Quảng Bình Quan, Quảng trường Hồ Chí Minh với Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, thành cổ Đồng Hới,…

Mẹ Suốt đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu quê hương.
Mẹ Suốt đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu quê hương.

4. Hang Tám Thanh niên xung phong (Hang Tám Cô)

Trong toàn bộ 5 trục dọc và 21 trục ngang của hệ thống đường Trường Sơn, Đường 20 – Quyết Thắng ở tỉnh Quảng Bình là một trong những trục ngang trọng yếu, nối từ Đông xuyên qua Tây Trường Sơn. Đây cũng là trục đường bị địch đánh phá khốc liệt nhất, mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Mỗi km đường trên Đường 20 đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường.

Ngày 14/11/1972, Đại đội TNXP 217, Ban xây dựng 67 nhận đ­ược lệnh của Bộ Tư­ lệnh 559 cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Đường 20 chở vũ khí, hàng hóa vào miền Nam. Khi việc khôi phục giao thông sắp hoàn thành theo kế hoạch thì có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sĩ trong đơn vị được lệnh rút về hầm trú ẩn. Những trận bom B52 của giặc Mỹ điên cuồng trút xuống Đường 20, những vách núi đá dựng đứng rung chuyển, những cánh rừng nát bươm, mặt đường bị quật nát, cắt đoạn. Một loạt bom giáng xuống đã khiến 5 chiến sĩ pháo binh (Mai Đức Hùng, sinh năm 1952, quê Hải Hậu, Nam Định; Đinh Công Đính, sinh năm 1953, quê Hải Hậu, Nam Định; Nguyễn Văn Quận, sinh năm 1952, quê Sơn Dương, Tuyên Quang; Sầm Văn Mắc, sinh năm 1952, Cam Đường, Lào Cai; Nguyễn Văn Thủy, sinh năm 1954, Vị Xuyên, Hà Giang) hy sinh ngay tại cửa hang tại Km 16+500. Tiểu đội TNXP với 8 chiến sĩ thuộc Đại đội 217, Đoàn N.25 – T.31, Ban Xây dựng 67 đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1952), Trần Thị Tơ (sinh năm 1954), Lê Thị Lương (sinh năm 1953), Hoàng Văn Vụ (sinh năm 1953), Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1954), Đỗ Thị Loan (sinh năm 1952), Nguyễn Mậu Kỷ (sinh năm 1947), Lê Thị Mai (sinh năm 1952) đang hành quân làm nhiệm vụ thông đường thì máy bay Mỹ bất ngờ oanh kích, các anh chị phải rút vào hang trú ẩn. Không may, sức công phá khủng khiếp của hàng loạt bom hạng nặng từ máy bay Mỹ làm đá lớn sập xuống bịt kín cửa hang. 8 nam nữ Thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh. Các anh, các chị, mà đa số còn trong độ tuổi mười tám, đôi mươi son trẻ, tràn đầy nhựa sống đã vĩnh viễn hóa thân vào sông núi. Máu xương, mồ hôi và nước mắt của các anh, các chị hòa tan vào đất đá, cỏ cây Trường Sơn, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, để nối thông những cung đường vận tải chiến lược từ hậu phương ra tiền tuyến, hướng tới miền Nam ruột thịt.

Hang Tám TNXP mà dân gian vẫn gọi là hang “Tám Cô” là chứng tích về gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của 8 Thanh niên xung phong và 5 liệt sĩ pháo binh tại Km16+500 Đường 20 – Quyết Thắng, đã trở thành một địa danh đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, một thiên anh hùng ca ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong đó có di tích Hang Tám Thanh niên xung phong là di tích quốc gia đặc biệt.

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn trong lòng di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Tám TNXP giờ đây là điểm hẹn thiêng liêng thu hút đông đảo du khách tìm về với cội nguồn, về chiến trường xưa qua những chuyến hành trình du lịch khám phá và trải nghiệm. Du khách có thể đến với di tích từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông rẽ vào trung tâm thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), sau đó theo đường 20 Quyết Thắng lên đến Km16+500. Ngay cạnh di tích, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ đường 20-Quyết Thắng đã được xây dựng, là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và là một “địa chỉ đỏ” giúp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hang Tám cô thiêng liêng thu hút đông đảo du khách tìm về với cội nguồn.
Hang Tám cô thiêng liêng thu hút đông đảo du khách tìm về với cội nguồn.

5. Di tích Bãi Đức

Bãi Đức vốn thuộc thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa. Di tích Bãi Đức là di tích lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Bắc Quảng Bình.

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân lan rộng và sục sôi trong cả nước, mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh. Dưới ảnh hưởng của làn sóng cách mạng từ phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh, ngày 12/1/1931, tại phía nam cầu Tân Đức, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Ích, chi bộ Bãi Đức được thành lập với 7 đảng viên chính thức nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng ở phía Bắc Quảng Bình. Đồng chí Trần Đình được cử làm bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Lệ được cử làm phó bí thư. Đến tháng 8-1931, chi bộ đã chỉ đạo thành lập được các tổ chức quần chúng: “Cứu tế đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Hội tương tế”… Cũng trong thời gian này, chi bộ đã tổ chức 4 đội tự vệ với số lượng 50 thành viên để bảo vệ đường dây liên lạc, đưa tin tức, tài liệu từ Hương Khê vào Bãi Đức và theo dõi hoạt động của địch.

Dấu ấn hoạt động đặc biệt của chi bộ Bãi Đức là đã tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1/5 vào đêm 30/4/1931. Hơn 100 người cầm đuốc tập trung tại Đương Dầu và tiến hành biểu tình, đi qua hai làng La Khê và Bãi Đức rồi xuống ga Tân Ấp với khẩu hiệu: “Đánh đổ thực dân và Nam triều quan lại, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo”, cùng với nhiều truyền đơn với nội dung đòi chia lại công điền, công thổ, đòi xóa thuế… rải trên đường làng ngõ xóm. Lần đầu tiên, ở một huyện miền núi xa xôi, quần chúng nhân dân đã nổi dậy biểu tình một cách có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Bãi Đức. Trước khí thế của quần chúng, địch tăng cường đàn áp. Đến cuối tháng 5-1931, chi bộ bị lộ, hầu hết các đảng viên bị bắt. Giữa năm 1932, một số đảng viên được thả về địa phương và vẫn tiếp tục tập hợp, lãnh đạo nhân dân chờ thời cơ đứng dậy đấu tranh.

Mặc dù chỉ ra đời, tồn tại và hoạt động trong vòng 5 tháng, nhưng chi bộ Bãi Đức đã gieo những hạt giống đỏ xuống vùng quê cách mạng Tuyên Hóa nói riêng và địa bàn Bắc Quảng Bình nói chung; trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tuyên Hóa. Di tích mang ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Bình sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngày nay, du khách có thể đến với di tích bằng đường sắt từ Nam ra hay Bắc vào, dừng chân ở ga La Khê đi theo hướng tây bắc khoảng 5km là đến di tích. Dấu tích di tích còn lại không nhiều, nhưng về với vùng đất quê hương cách mạng Bãi Đức, du khách có thể tìm hiểu truyền thống cách mạng và khám phá những nét văn hóa bản địa của một vùng quê miền núi phía tây bắc tỉnh, thưởng thức vị ngọt lịm của giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng cùng những món ăn đặc sắc của núi rừng miền tây Quảng Bình, tất cả sẽ làm nên dấu ấn khó quên trong lòng du khách.

Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Bắc Quảng Bình.
Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Bắc Quảng Bình.

5 di tích trên là những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, góp phần tái hiện quá trình đấu tranh anh dũng của quân và dân Quảng Bình từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng. Đa số các di tích đều có thể được tiếp cận một cách dễ dàng bằng các phương tiện giao thông công cộng với chi phí tham quan tại di tích hoàn toàn miễn phí. Du khách đến với di tích cần tuân theo các hướng dẫn về an toàn và bảo vệ môi trường xung quanh di tích để có được những trải nghiệm khó quên và được sống lại trong không khí hào hùng của một thời hoa lửa trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” năm nào.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Quang cảnh làng quê Quảng Bình
Hướng dẫn

Những điều cần chuẩn bị trước khi du lịch Quảng Bình

Khám phá hướng dẫn chi tiết về những điều cần chuẩn bị trước khi bạn bắt đầu hành trình du
Thư giãn tại nhà trên cây ven suối Blue.
Hướng dẫn

Gợi ý lịch trình du lịch Quảng Bình 1 ngày chi tiết: Nên đi đâu, chơi gì?

Với thời gian hạn chế, du khách vẫn có thể khám phá trọn vẹn những điểm đến hấp dẫn của