Tin tức

Cuộc sống và văn hóa của các dân tộc thiểu số tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chứa đựng nhiều giá trị có ý nghĩa ở khu vực và toàn cầu, thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi hội tụ một quần thể các di tích lịch sử, văn hóa, hệ sinh thái nhân văn đa dạng và phong phú mà không có một mô hình nào trên thế giới có được. Bên cạnh hệ thống hang động kỳ vĩ bậc nhất thế giới, thì Phong Nha – Kẻ Bàng còn tồn tại 3 thành phần di sản nhân văn chỉ duy nhất tồn tại tại đây, phản ánh tiến trình lịch sử hai dòng văn hóa Chăm – Việt, quần thể văn hóa tộc người bản địa và quần thể di tích nổi bật của đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi sinh sống của gần một chục tộc người thuộc 2 dân tộc là Chứt và Bru – Vân Kiều. Trong đó có tộc người Arem cư trú trọn vẹn trong một bản nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được xem là hình mẫu văn hóa tộc người còn giữ được những yếu tố nguyên trạng của loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa độc đáo, vừa có giá trị trong nghiên cứu nhân học.

Hiện tại chủ nhân văn hóa các tộc người trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có thể chia làm 2 lớp dân cư: Lớp văn hóa Việt – Chăm cổ và các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt; lớp dân cư của người Việt bao gồm cả nhóm Nguồn và các nhóm Trì, Khùa, Macoong thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều.

Đường đến bản làng người Rục vào mùa mưa.
Đường đến bản làng người Rục vào mùa mưa.

Sự đa dạng của các dân tộc

Theo số liệu thống kê hiện nay ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, người Chứt có mặt ở 6 xã thuộc 2 huyện là huyện Minh Hóa (vùng đệm VQG PN-KB) và huyện Bố Trạch với khoảng trên 2.000 người bao gồm các nhóm Arem, Rục, Sách, họ là những cộng đồng dân cư nói ngôn ngữ Việt – Mường. Điều đặc biệt là các nhóm dân tộc này đã tách khỏi cộng đồng tiền Việt – Mường trước khi Mường tách khỏi Việt. Đây là tộc người còn lưu giữ rất nhiều yếu tố văn hóa nguyên thủy, lạc hậu như: đời sống du canh du cư, săn bắn, đánh cá, hái lượm (do hoạt động làm nương rẫy đang lạc hậu theo kiểu chọc lỗ tra hạt trên các triền núi dốc, nên năng suất cây trồng thấp, rủi ro nhiều, nguồn thu từ trồng trọt chỉ đủ nuôi sống họ trong vài ba tháng…) Làng bản người Chứt có quy mô nhỏ (mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà hoặc thậm chí vài ba nóc nhà), nhà cửa hết sức tạm bợ. Trừ người Sách, các nhóm còn lại sống trong những ngôi nhà sàn được làm hết sức đơn sơ. Trang phục của đồng bào được làm bằng vỏ cây, trang sức được làm bằng vỏ ốc núi, răng vuốt của động vật như hổ, lợn rừng…Ngoài ra còn có nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng độc đáo khác của đồng bào trong các nghi lễ cúng liên quan đến chu kỳ sản xuất, chu kỳ đời người, cách chữa bệnh bằng hình thức “thổi” có tính ma thuật, các hình thức ca, múa, nhạc với nhiều loại nhạc cụ như đàn ống, sáo, tù và, chiêng, ché…

Độc đáo lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều.
Độc đáo lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều.

Đối với các nhóm Khùa, Trì, Macoong thuộc tộc người Bru – Vân Kiều ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, những giá trị văn hóa đặc trưng của họ là lễ hội đập trống, lệ hội mừng cơm mới, tục thờ linh hồn người sống, các hình thức ca múa nhạc dân gian đặc sắc, các ngôi làng thường phân bố bên cạnh những con suối hòa mình vào màu xanh của núi rừng.

Nhóm cộng đồng dân cư người Việt, trong đó có nhóm Nguồn với khoảng 35.000 phân bố chủ yếu ở các vùng đệm thuộc hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Họ vốn là những người Việt ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh và vùng đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch di cư lên vùng núi thượng nguồn sông Gianh vào khoảng thế kỷ XIV.

Bộ phận người Việt cư trú ở vùng kề cận Phong Nha phân bố ở các làng Mé, Trằm, Hà Lời, Na, Phong Nha …

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phong Nha – Kẻ Bàng bào gồm các nhóm của dân tộc Chứt như Sách, Mày , Rục, Arem, Mã Liềng và các nhóm của dân tộc Bru – Vân Kiều như Trì, Khùa, Macoong, xét về trình độ phát triển xã hội được xếp vào một trong những tộc người còn lạc hậu nhất, đời sống khó khăn nhất trên đất nước ta. Đặc biệt người Arem, người Macoong, người Trì, người Rục, người Mày, cho đến nay vẫn chưa thể đảm bảo tự cung cấp lương thực, thực phẩm cho mình.

Cuộc sống hàng ngày và nghề nghiệp

Hiện nay, ở khu vực Phong Nha có nhiều bản làng của đồng bào các tộc người đang được các công ty du lịch đưa vào lộ trình tour để khách du lịch có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị về văn hóa bản địa, cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Tiêu biểu như người Vân Kiều ở Bản Đoòng. Tọa lạc giữa vùng lõi của Di sản Phong Nha, bản Đoòng là bản biệt lập với thế giới bên ngoài, người dân ở đây tự cung tự cấp lương thực bằng các hoạt động bắt cá, hái lượm, sống dựa vào rừng. Để tiếp cận được bản phải đi bộ mất nữa ngày theo lối mòn trong rừng. Từ sau khi công ty Oxalis khai thác các tour du lịch chinh phục hang Sơn Đoòng, hang Én trong lộ trình có đi ngang qua bản, bản Đoòng thành điểm dừng chân của du khách vô cùng thú vị, cùng với sự chia sẻ, giúp đỡ và giao lưu với du khách thường xuyên nên cuộc sống người dân ở đây có nhiều thay đổi theo hướng tích cứ hơn.

Người Arem ở bản 39 nằm sâu trong Vườn quốc gia là tộc người còn giữ được những nét văn hóa cổ xưa, với tục ăn én vào rằm tháng 3. Mùa xuân là mùa cây cỏ đơm hoa kết trái, mùa chim muông sinh nở, người Arem thường vào các hang động trong rừng sâu, họ có kỹ năng leo trèo của loài vượn để lấy trứng và chim non trên các vách núi về làm thực phẩm cho mình.

Đối với người Macoong ở Phong Nha hiện nay vẫn còn lưu giữ được lễ hội đập trống, một trong những lễ hội mang các yếu tố cổ xưa đã được tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội cấp tỉnh.

Đối với người Rục, đây là tộc người được phát hiện muộn nhất trong số các tộc người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng như trên đất nước Việt Nam, được xem là tộc người bí ẩn nhất với những tập tục và lối sống lạc hậu như thời nguyên thủy.

Không khí nhộn nhịp của lễ hội đập trống của người Macoong.
Không khí nhộn nhịp của lễ hội đập trống của người Macoong.

Đóng góp của các dân tộc cho bảo tồn thiên nhiên

So với đồng bào các tộc người ở các vùng miền khác trong cả nước, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Phong Nha diễn ra chậm hơn. Xét về góc độ bảo tồn đây có thể là ưu thế để giữ gìn các nét cổ xưa của họ.

Với thế mạnh du lịch hang động, du lịch về cảnh quan tự nhiên, hoạt động du lịch văn hóa tộc người kết hợp với du lịch các di tích lịch sử văn hóa nơi đây sẽ được chú trọng đầu tư và phát triển trong tương lai. Việc phát triển du lịch dựa vào các giá trị truyền thống, lễ hội của người dân các tộc người sẽ góp phần gìn giữ những cách thức mà người dân nơi đây đối xử với môi trường sống của mình. Ví dụ như đối với người Macoong, họ quy định người dân trong bản chỉ được đánh bắt cá ở dòng suối trước bản vào những tháng nhất định trong năm, nhằm mục đích để cho nguồn lợi thủy sản có cơ hội tái sinh và nuôi sống chính người dân bản.

Đối với thiên nhiên, cộng đồng người dân các tộc người ở Phong Nha luôn có cách đối xử rất nhân văn, họ không bao giờ tuyệt diệt bất cứ một nguồn lợi nào. Điều này còn được nhìn thấy qua cách họ lấy mật ong rừng, người dân chỉ cắt lấy một phần của tổ ong và để lại một phần để tổ ong không bay đi mà tiếp tục tái tạo và nhiều cách đối xử nhân văn với tự nhiên khác.

Hay như các tục lệ về thờ thần rừng, thần suối…chính vì những đức tin đó mà họ luôn bảo vệ nơi sinh sống như một lẽ tự nhiên.

Yếu tố bảo tồn môi trường của các tộc người cần được đề cao khi phát triển du lịch.
Yếu tố bảo tồn môi trường của các tộc người cần được đề cao khi phát triển du lịch.

Tương tác với du khách và lợi ích cộng đồng

Cùng với quá trình phát triển, hệ thống đường giao thông được đầu tư kết nối đến tận các bản làng xa xôi nhất trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, điều này tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận với các nền hóa của người vùng xuôi, và người dưới xuôi và kể cả khách du lịch có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về những điều mới lạ về văn hóa của cộng đồng các tộc người trong khu vực Di sản Phong Nha.

Các chương trình tour du lịch liên kết giữa khám phá hang động, thiên nhiên thì còn tìm hiểu văn hóa cộng đồng các tộc người phần nào mang lại những thay đổi trong tư duy về bảo vệ thiên nhiên, tầm quan trọng của du lịch đối với đời sống, nâng cao thu nhập …Việc tham gia vào một mắt xích trong chuỗi phát triển du lịch sinh thái sẽ giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thách thức và giải pháp

Từ khi Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, cư dân các tộc người ở khu vực Phong Nha nói chung (bao gồm cả những nhóm người ở vùng đệm, vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) không còn được chặt cây, phá rừng làm rẫy, họ phải bảo vệ đa dạng cảnh quan môi trường cho Di sản thế giới. Không gian sản xuất và các nguồn thu từ rừng bị thu hẹp, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn đã làm trầm trọng thêm quá trình suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người nơi đây. Nhiều ngôi làng của đồng bào các dân tộc thiểu số được chính quyền hỗ trợ xây bằng gạch ngói, bê tông ở kề cận nhau, không có vườn, xa khu sản xuất… hình thức định canh định cư đó càng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người trong khu vực Phong Nha bị mai một và đứt gãy.

Từ khi Phong Nha trở thành di sản, các hoạt động du lịch kết hợp giữa khám phá hang động với hệ sinh thái nhân văn của các cộng đồng dân cư nơi đây còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy người dân của các tộc người nơi đây chưa nhìn thấy cụ thể những lợi ích của việc kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình với việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Những năm qua, du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã có nhiều phát triển, sự quản lý tốt từ chính quyền địa phương về quy hoạch, kế hoạch khai thác du lịch, song chưa có sự quan tâm đúng mức về sự tham gia quản lý từ phía cộng đồng người dân địa phương. Người dân bản địa, hơn ai hết họ là những người hiểu rõ nhất đường đi lối lại, điều kiện môi trường, sinh thái nếu được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển du lịch họ sẽ có nhiều đóng góp, những ý kiến quý báu cho sự phát triển lâu dài. Cần khuyến khích người dân tổ chức các chương trình du lịch, biến những làng bản, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thành những sản phẩm du lịch, họ có thể tham gia làm người hướng dẫn cho khách du lịch… Để Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một thế mạnh của Quảng Bình thì cần có chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, đề cao yếu tố cộng đồng trong quá trình phát triển.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Blue Diamond Camp
Tin tức

Du lịch MICE và những thông tin bạn cần biết

Du lịch MICE tập trung vào việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm và sự kiện, mang
Cung đường trekking Tú Làn độc đáo và thú vị dành cho các gia đình và trẻ nhỏ.
Tin tức

Sự phát triển của Wellness Tourism: Tại sao ngày càng nhiều người chọn kỳ nghỉ lành mạnh?

Ngày nay, sự quan tâm đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống ngày càng trở nên quan trọng hơn