Trải nghiệm

Lễ Cầu ngư phường Hải Thành – Nét đẹp văn hóa truyền thống của ngư dân Quảng Bình

Quảng Bình, mảnh đất miền trung phía tây là rừng, phía đông là biển cả. Đường bờ biển dài 116 km tạo cho Quảng Bình có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng. Cuộc sống của người dân vùng biển cũng có những hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng gắn liền với sinh hoạt của ngư dân. Lễ hội cầu ngư của nhiều địa phương ở Quảng Bình được trao truyền và lưu giữ từ đời này qua đời khác với mong muốn kỳ vọng vào một mùa biển mới, tri ân những thần biển đã phù hộ một năm đã qua mưa thuận gió hòa, qua đó giáo dục thế hệ sau đạo lý uống nước nhớ nguồn. Với sự độc đáo và những giá trị văn hóa đẹp của các lễ hội cầu ngư Quảng Bình, nên Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về Quảng Bình, muốn khám phá sự độc đáo của lễ hội cầu ngư, bạn có thể đến các làng biển ở huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới, Lệ Thủy,… Bài viết này, quangbinh.travel giới thiệu đến bạn lễ hội cầu ngư của ngư dân phường Hải Thành ở Đồng Hới.

Hải Thành là một phường của thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích 244,5ha. Phường Hải Thành tiền thân là làng Đồng Hải hợp nhất với xóm Đồng Thành, ngôi làng có lịch sử hơn 500 năm. Phường có 07 tổ dân phố. Phường nằm bên cửa biển Nhật Lệ, người dân chất phát, hiền hậu, cuộc sống của người dân dựa vào nghề biển, nay với tốc độ phát triển của kinh tế, đặc biệt là du lịch phát triển, phường Hải Thành được xem là trung tâm của ẩm thực đường phố của Đồng Hới. Người ta vẫn ví Hải Thành là “làng trong phố”. Nơi đây còn có lễ hội cầu ngư diễn ra vào tháng tư âm lịch, trải qua thăng trầm thời gian nhiều nội dung của lễ hội được tối giản, nhưng các nghi thức của lễ hội vẫn được thực hiện trang nghiêm và ý nghĩa.

Nô nức không khí Lễ Cầu ngư của bà con ngư dân phường Hải Thành.
Nô nức không khí Lễ Cầu ngư của bà con ngư dân phường Hải Thành.

Cội nguồn của lễ hội cầu ngư ở Hải Thành

Người dân phường Hải Thành ai cũng biết câu chuyện về cá Ngư Ông. Ngày xưa, những người làng chài phát hiện một con cá voi rất to dạt vào bờ biển Nhật Lệ, lại gần thì thấy cá đã chết, con cá rất to và nặng. Dân làng kêu nhau ra kéo xác cá voi vào chôn cất nhưng không tài nào kéo được. Những người lớn tuổi cho rằng đây là điểm báo, nên đã tổ chức lễ cầu, xin ngài cá cho phép dân làng mang đi chôn cất. Sau khi tế lễ xong, dân làng mới kéo được xác cá voi vào bờ chôn cất. Từ đó dân làng chài Hải Thành hàng năm tổ chức cầu ngư, cúng thần cá voi để cầu cho chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản tươi ngon. Lễ hội Cầu Ngư được giữ cho đến bây giờ. Lễ hội được diễn ra tại lăng Đồng Thành, cạnh biển Nhật Lệ.

Nét độc đáo của Lễ hội cầu ngư ở Hải Thành

Lễ cầu ngư ở Hải Thành gồm có hai phần, phần lễ và phần hội.

Phần Lễ: Từ sáng sớm, dân làng chài Hải Thành tập trung rất đông về đình Đồng Thành và bãi biển Nhật Lệ để tham gia vào các nghi lễ. Trong trang phục truyền thống, các đội nghi thức, đội chèo cạn, múa bông đã long trọng tập trung về bãi biển để chuẩn bị làm lễ. Dân làng góp tiền và công sức để chuẩn bị các lễ vật tế thần linh. Dân làng cử ra một cao niên có uy tín đứng ra làm lễ và đọc tế lễ. Trước hết là lễ rước vong linh, rước linh hồn của ngư Ông, các anh hùng liệt sĩ và người dân tử nạn trên biển do thiên tai về dự lễ. Hiện nay trong phần rước thần, người Hải Thành bổ sung thêm phần mời, rước anh linh các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang thành phố và các anh hùng tại nghĩa trang Trương Pháp về dự lễ của làng.

Sau đó là nghi thức dâng hương tế thần. Bài khấn phải thể hiện được lòng thánh kính của ngư dân làng chài, biết ơn sự bao dung, che chở của thần linh trong năm cũ, và không quên cầu mong một mùa ra khơi tiếp tục được phù hộ để dân làng chài có cuộc sống ấm no.

Sau khi thức tế thần là lễ chèo cạn, con thuyền đánh cá của ngư dân được trang trí rất đẹp, rất mới, và sẽ có đội chèo là các thanh niên trai tráng mặc đồng phục lễ hội tiến hành chèo thuyền trên bãi cát, cùng với đó là các điệu hát mái ba, mái nện múa bông nhằm ca ngợi tinh thần yêu biển cả của ngư dân, ca ngợi sự đổi mới của quê hương Hải Thành. Ghi nhớ công ơn của thần linh và những bậc tiền bối.

Phần hội: Sau khi phần lễ kết thúc, ngư dân Hải Thành sẽ có các hoạt động như: múa hát, đua thuyền, thi bơi, kéo co, lắc thúng, đan lưới, chế biến món ăn…đây là những hoạt động rất sôi nổi, mang những tinh hoa của người dân làng chài.

Và cuối cùng là thả đèn hoa đăng trên sông Nhật Lệ, với mong muốn soi đường dẫn lối để đón những vong linh về dự hội Cầu Ngư.

Không chỉ diễn ra tại bờ biển Nhật Lệ, vào dịp này người dân phường Hải Thành cũng mỗi nhà sửa soạn đồ lễ, dâng cúng thắp hương tại gia đình với mong muốn bề trên phù hộ cho gia đình một năm bình an, hạnh phúc và ấm no.

Trang phục được mặc trong lễ cầu ngư ở Hải Thành cũng rất độc đáo. Các vị cao niên được giao làm lễ tế mặc quần trắng, áo dài đen, khăn đóng, đội chèo cạn, búa bông trang phục đa sắc màu, kín đáo.

Tại lễ hội cầu ngư Hải Thành, điệu múa bông, chèo cạn khá đặc sắc. Múa bông là hình thức múa không lời, động tác theo nhịp trống, kết hợp với chèo cạn. Đội ngũ múa bông là những thanh niên chưa lập gia đình, có vóc dáng khỏe mạnh, thể hình cân xứng và có một người điều khiển. Trang phục là quần trắng ống bó, áo thân 5 màu, thắt lưng khác màu, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn, hai tay cầm đèn giấy hình chậu hoa.

Người cai múa trang phục như võ sĩ, tay cầm đèn làm hiệu. Mỗi tiết mục múa bông – chèo cạn khoảng 15 – 20 phút, những động tác của đội múa rất nhanh và nhịp nhàng, uyển chuyển.

Mỗi năm đến dịp lễ Cầu Ngư, người dân Hải Thành lại rộn ràng chuẩn bị cờ hoa và luyện tập các điệu múa để chuẩn bị chu đáo lễ hội. Cờ lễ được cắm trên các thuyền đánh cá của ngư dân, bãi biển Nhật Lệ được trang trí cờ hoa rực rỡ. Con em Hải Thành đang làm ăn ở xa quê hương cũng sắp xếp thời gian về tham gia lễ hội.

Với người dân Hải Thành, lễ hội cầu ngư là nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của bà con. Lễ hội diễn ra đầu năm mới với mong muốn tạ ơn thần linh đã phù hộ, và cầu cho một năm mới trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an và may mắn. Nếu năm đó nhà ai làm ăn khấm khá sẽ sắm lễ to để tạ ơn thần biển.

Nhiều nghi lễ được tiến hành trong lễ hội.
Nhiều nghi lễ được tiến hành trong lễ hội.

Trải nghiệm văn hóa du lịch hấp dẫn ở Quảng Bình

Về tham gia lễ hội cầu ngư ở Hải Thành, bạn sẽ được trải nghiệm Tuần văn hóa du lịch tại thành phố Đồng Hới xinh đẹp. Vì lễ hội này là một trong những sự kiện của Tuần lễ văn hóa – thể thao – du lịch Đồng Hới. Nhiều hoạt động hấp dẫn trong tuần lễ như:

    • Diễu hành đường phố
    • Chương trình nghệ thuật khai trương mùa du lịch biển
    • Lễ hội ẩm thực phố đi bộ
    • Liên hoan văn nghệ các câu lạc bộ
    • Đua thuyền truyền thống
    • Triển lãm ảnh nghệ thuật

Nếu muốn trải nghiệm Lễ hội cầu ngư ở Hải Thành, bạn hãy sắp xếp thời gian vào rằm tháng 4 âm lịch, thời tiết lúc này rất lý tưởng để bạn về Quảng Bình, và đây cũng là thời điểm Quảng Bình sôi động nhất, khắp nơi khởi động mùa du lịch. Các món ăn chế biến từ hải sản rất tươi ngon và rẻ. Đặc biệt Hải Thành là địa chỉ của bánh lọc, một món ăn nổi tiếng của Quảng Bình.

Ngoài lễ hội cầu ngư, Hải Thành còn có các lễ hội như:

    • Lễ Bái sóc: vào sáng mồng một tết tại Nhà thờ Tam Tòa.
    • Lễ Xuân thủ kỳ yên: tổ chức vào rằm tháng giêng tại đình làng Đồng Thành
    • Lễ vía ở lăng Bà: diễn ra vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, tại lăng Bà, nơi thờ hài cốt cá voi.
    • Lễ phát lác: diễn ra ngày 2 tháng 8 tại Đình làng, miếu Thành Hoàng với mục đích phát quang cây cỏ, tạo môi trường sạch đẹp.
      Lục niên cảnh độ: hay còn gọi là Hội bơi trãi 6 năm tổ chức một lần.

Cạnh Hải Thành, có rất nhiều địa điểm bạn có thể đến để trải nghiệm, như bãi biển Nhật Lệ, Hồ Bàu Tró, Nhà thờ Tam Tòa, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, tượng đài Mẹ Suốt, quảng trường biển Bảo Ninh, Quảng Bình Quan, chợ Đồng Hới.

Cách trung tâm Đồng Hới về phía Bắc có Bãi biển Đá Nhảy, làng bích họa Cảnh Dương, Vũng Chùa – Đảo Yến, Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, Đèo Ngang.

Từ trung tâm Đồng Hới về phía Tây Bắc, có Động Phong Nha, Hang Tám cô, suối Nước Mọc, Tú Làn….

Bạn có thể đến Đồng Hới bằng phương tiện: Máy bay, tàu hỏa, xe khách.

Đến trung tâm Đồng Hới, có dịch vụ xe ô tô, xe máy để giúp bạn tham quan và khám phá.

Lễ hội cầu ngư ở Hải Thành được tổ chức 2 năm một lần, xen kẽ với Lễ hội Xuân thủ kỳ yên, sau lễ hội địa phương phát động ra quân đánh cá vụ Nam. Hãy liên hệ với quangbinh.travel để bạn được tư vấn lịch trình hợp lý với thời gian của bạn.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue