Trải nghiệm

Độc đáo Lễ hội rằm tháng ba “miền sơn cước” Minh Hóa, Quảng Bình

Tháng ba âm lịch là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc tươi tốt, chim ca, vượn hót, thiên nhiên như hoà quyện với con người để cùng bừng lên sức sống trong mùa xuân mới. Với người dân vùng cao Minh Hoá (Quảng Bình), tháng ba lưu dấu ấn với một lễ hội độc đáo – lễ hội Rằm tháng ba. Đây là lễ hội lâu đời và lớn nhất của huyện miền núi này với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội Rằm tháng ba đã có từ lâu đời, đi sâu vào tâm hồn con người và trở thành máu thịt trong đời sống tinh thần của người dân Minh Hoá. Người dân ở đây có câu truyền khẩu: Nỏ (chẳng) thà đau ốm mà nằm / Không ai mà bỏ chợ rằm tháng ba.

Chương trình nghệ thuật trong đêm hội rằm.
Chương trình nghệ thuật trong đêm hội rằm.

Đến vùng sơn cước này, sẽ được nghe các cụ già cao niên bên ấm chè xanh mật ngọt thắm tình nước non thủ thỉ kể truyền thuyết về thác Bụt. Rằng xưa kia, có hai anh em ở làng Yên Đức, xã Yên Hoá đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Lên đến đỉnh họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá. Thấy lạ, người anh dùng dây rừng buộc lấy một hòn đá và mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Bực mình vì tiếc công mang, anh ta liền dùng rựa đập vỡ mất một góc tượng đá. Khi về nhà, họ thấy làng xóm tiêu điều, xơ xác, người đau kẻ ốm, bất hoà lẫn nhau, mùa màng bị thú rừng về quậy phá tan tác,… Dân làng mời thầy bói về cầu cúng, thầy phán rằng vì trong làng có người đến chỗ Pụt (Bụt) ở quấy phá, lại mang hai ông xuống bỏ ở thác nước, làm cho Bụt giận, không độ trì cho làng nữa nên tai hoạ mới đến. Hai anh em nhà nọ nghĩ lại, tin rằng mình đã làm Bụt giận, bèn cùng dân làng đến thác Cúi lập đền thờ Bụt. Thác nước được gọi là Thác Bụt. Từ đó, dân làng được yên ổn làm ăn, mùa màng bội thu, cây cối xanh tốt, bệnh tình không còn, gia đình giàu có. Do đó, cứ đến rằm tháng ba, dân làng làm lễ rước, cúng tế Bụt với mục đích cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu may, cầu cho mọi sự được tốt lành. Tiếng đồn về sự linh thiêng của Bụt và sự đắc nghiệm sau khi cầu khấn đã lan ra các huyện, các tỉnh lân cận đã thu hút người khắp nơi kéo về nườm nượp. Lễ hội rằm tháng ba ra đời từ đó.

Những tiết mục nghệ thuật lồng ghép các yếu tố văn hóa của địa phương.
Những tiết mục nghệ thuật lồng ghép các yếu tố văn hóa của địa phương.

Theo nhiều bậc cao niên kể lại, Lễ hội rằm tháng ba xưa kia thường được tổ chức trong ba ngày 14, 15, 16 âm lịch với các nghi thức trọng thể. Vào giờ tốt đã được chọn của ngày 14, các làng chuẩn bị lễ vật, kiệu, hương án, các vị sư tăng, chức sắc trọng vọng của làng và các trai đinh khiêng kiệu, cờ lọng,… đến đền Thác Bụt (xã Yên Hóa) làm lễ dâng hương, thành kính xin được rước Bụt về thờ ở làng mình. Sau lễ dâng hương là lễ rước Thần Bụt. Đi đầu đám rước là các trai đinh tuổi từ 20 – 25 mang quần quấn xà cạp, áo trắng viền đỏ, theo sau là 12 người đàn ông khoẻ mạnh cầm cờ Phật, tiếp đến là kiệu Thần Bụt. Đi hai bên kiệu là các vị sư tăng, các chức sắc trong làng và các vị hộ tống; tiếp sau là phường nhạc, cuối cùng là dân làng già trẻ, trai gái tạo thành đám rước đông đúc. Đám rước đi từ Thác Bụt về đến chùa làng Tân Kiều thì làm lễ thỉnh hương án Thần Bụt vào chùa, tiếp đến là lễ Đại tế. Lễ Đại tế được bắt đầu bằng lễ dâng hương, với các lễ vật là đồ chay gồm hoa quả, xôi chè, bánh trái, hương đèn, trầu rượu,… Các vị sư tăng, hương chức cùng các ban tế và phụ tế tiến hành các nghi thức tế lễ, cuối cùng là phần dâng hương, niệm Phật, cầu kinh,… của dân làng. Cũng trong ba ngày hương án Thần Bụt được đặt tại chùa làng, các hoạt động vui chơi, hội hè mang đậm nét văn hoá dân gian của người dân vùng sơn cước cũng được tổ chức như hát ví đúm, hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, chơi đu, nhảy sạp, đi cà kheo. Hết ba ngày lễ trực, dân làng lại tiến hành lễ rước Thần Bụt từ chùa làng về Thác Bụt.

Gian hàng tấp nập trong hội chợ.
Gian hàng tấp nập trong hội chợ.

Lại theo một số nhà nghiên cứu khác thì ngày xưa, ở vùng Cơ Sa nguyên và Kim Linh nguyên (tức Minh Hoá và một phần nhỏ của Tuyên Hoá ngày nay), hàng năm, đến ngày rằm tháng ba, lễ hội rằm tháng ba được tổ chức bao gồm lễ tết rằm tháng ba vào ngày 15 -3 và Hội chợ rằm tháng ba vào ngày sáu (16 – 3) âm lịch. Bà con nhà nào cũng làm cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên, cho con cháu ăn tết, đi tết ông bà cha mẹ đương sống; dân làng ở Cơ Sa nguyên đem hoa quả, xôi oản lên Thác Pụt (Bụt) hoặc nhà chùa lễ Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ,… Lễ cúng xong, đi dọc đường về gặp trẻ con chăn trâu hoặc đi chơi, người đi lễ về đó phải cho các cháu nắm xôi, quả chuối,… để lấy phúc, lấy đức như Bụt dạy. Dân làng Kim Linh nguyên thì làm lễ “cầu đảo” cho mưa thuận, gió hoà, xóm làng yên vui, thịnh vượng. Cho nên, dân gian có câu rằng:

Trông cho đến rằm tháng ba
Để Kim Linh cầu đảo, Cơ Sa đi lễ chùa

Dân làng làm lễ cầu cho mưa thuận gió hòa.
Dân làng làm lễ cầu cho mưa thuận gió hòa.

Lễ hội rằm tháng ba đi vào lòng người dân Minh Hoá không chỉ bởi sự thành kính tưởng nhớ các vị thần linh có công giúp làng, cứu dân; mà bên cạnh đó, trong sự linh thiêng của vũ trụ bao la, con người thấy mình hoà nhập với thế giới tâm linh. Với tính chất là lễ hội thờ Thần Bụt – vị thần Thiện trong tiềm thức dân gian, với sự tài giỏi, đức độ, biến hoá khôn lường, Hội rằm tháng ba là lễ hội của tinh thần hướng thiện, lòng nhân ái, và do đó, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng – tôn giáo, lễ hội còn là dịp để cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Minh Hoá – Tuyên Hoá nói riêng và cả tỉnh Quảng Bình nói chung có sự giao lưu, gặp gỡ; thắt chặt thêm tính cố kết cộng đồng làng xã, tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Du khách thập phương tìm đến với Hội rằm tháng ba còn được tham gia và thưởng thức các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo của một miền quê còn tiềm ẩn rất nhiều vẻ đẹp chưa được hé lộ. Khi tổ chức hội chợ rằm tháng ba, người từ bốn phương trong, ngoài tỉnh, trong vùng mang về chợ Sạt (chợ Quy Đạt ngày nay) đủ loại hàng hoá, thổ sản địa phương như hoa quả, trầu cau, chè xanh, mật ngọt, măng rừng, ốc tực, pồi (bồi)… ngập tràn chợ. Người người mua bán nhộn nhịp, rôm rả. Trẻ em về hội chợ để vui đùa, ăn uống, mua đồ chơi; thanh niên nam nữ đến hội chợ rằm để đàn, hát ví, hát đúm “xạ quây” tìm hiểu, tỏ tình với nhau, nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ phiên chợ rằm này; người già lại đến hội chợ rằm để gặp lại bạn quen cũ, hàn huyên và thưởng thức lại các điệu đàn, câu đúm, ví của thời trai trẻ.

Nô nức các cuộc thi, trò chơi dân gian ngày hội.
Nô nức các cuộc thi, trò chơi dân gian ngày hội.

Hội rằm tháng ba ở Minh Hoá hội tụ cả 3 yếu tố gồm: lễ – hội – chợ và được duy trì từ xưa đến nay. Năm 2004, Hội rằm tháng ba truyền thống của Minh Hoá đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hoá truyền thống cấp tỉnh. Với những giá trị văn hóa độc đáo, những năm qua Hội rằm tháng ba được các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng như mong muốn lưu giữ và bảo tồn nét văn hoá truyền thống mang đậm tính dân gian của một vùng quê giàu bản sắc văn hoá. Lễ hội đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo quần chúng nhân dân và tạo được những dấu ấn đáng kể, minh chứng cho sự trường tồn của một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân gian ở miền núi phía tây Quảng Bình. Và, điều đó cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn nữa cho các cấp, các ngành chức năng hữu quan trong vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của Hội rằm tháng ba Minh Hoá trong sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue