Trải nghiệm

Lễ hội trỉa lúa – Tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người Bru-Vân Kiều

Dọc theo các bản làng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, đồng bào Bru-Vân Kiều tỉnh Quảng Bình sống quần tụ, đoàn kết bên nhau. Bên trong những nếp nhà sàn là những phong tục, tập quán, những lễ hội được đồng bào bền bỉ gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhiều lễ hội truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây.

Truyền Thống Văn Hóa của Người Bru-Vân Kiều

Bao đời nay, người Bru-Vân Kiều phía Tây Quảng Bình nương nhờ vào tự nhiên để sinh sống và phát triển. Cuộc sống với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự khó khăn của địa hình vẫn không ngăn được khát vọng vươn lên của đồng bào nơi đây. Họ có niềm tin đặc biệt vào các thần linh huyền bí và coi thần lúa là vị thần quan trọng nhất bởi đó là đấng linh thiêng mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình. Trải qua những khó khăn của cuộc sinh tồn, đi đến đâu, người Bru-Vân Kiều vẫn trân trọng, bảo lưu các lễ hội truyền thống liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới.

Trong cuộc mưu sinh dọc dãy Trường Sơn, người Bru-Vân Kiều coi “chặt, đốt, cốt, trỉa” là phương thức canh tác truyền thống, đến nay vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Và trỉa hạt – khâu cuối cùng trong phương thức canh tác đặc biệt ấy đã được đồng bào nâng lên thành lễ hội, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đến nay, khi cuộc sống đã có nhiều khởi sắc, những cách tân đã làm đổi thay cuộc sống của đồng bào nơi đây nhưng lễ hội trỉa lúa vẫn được bà con bảo tồn và phát huy giá trị.

Lễ hội Gieo hạt thể hiện nhiều nét văn hóa của người Bru-Vân Kiều.
Lễ hội Gieo hạt thể hiện nhiều nét văn hóa của người Bru-Vân Kiều.

Lễ Hội Trỉa Lúa: Sức Hút Văn Hóa Độc Đáo

Lễ hội trỉa lúa (còn được gọi là lễ lấp lỗ) của đồng bào Bru-Vân Kiều được tổ chức từ ngày 11 – 14/7 (âm lịch). Lễ hội hàm chứa nhiều chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đây cũng được coi là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Lễ hội trỉa lúa được tổ chức đúng vào thời điểm người Bru-Vân Kiều gieo giống, bắt đầu cho một mùa lúa mới với ước mong một mùa lúa bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), lễ hội thường được tổ chức ở gò đất cao dưới chân núi Chồng. Đó là nơi có nhiều cây cổ thụ, được coi là vùng đất linh thiêng của bản làng nơi đây. Nơi tổ chức lễ cũng đồng thời là nơi có đất đai màu mỡ, tốt tươi, phù hợp để canh tác. Lễ hội trỉa hạt bao gồm phần lễ và phần hội. Khi mặt trời ló dạng, chiếu xuống khu vực làm lễ cũng là lúc đông đảo bà con tề tựu đông đủ, đón đợi nghi thức quan trọng: Lễ tế sống (hiến sinh) bằng lợn trắng tuyền. Dân bản đứng thành vòng tròn, quanh con vật hiến sinh. Lúc này, già làng sẽ báo lệnh khai lễ, rồi rót đầy ly rượu, khấn xin các vị thần phù hộ để bản làng được ấm no, đủ đầy, gặp nhiều may mắn. Đó cũng là giây phút mà dân bản tỏ rõ lòng biết ơn đối với các vị thần đất, thần lúa.

Sau lời khấn sẽ là thời khắc mang ý nghĩa linh thiêng nhất – nghi thức trỉa hạt. Bà con sẽ chia theo từng nhóm nhỏ, thực hiện nghi thức ở từng khoảnh đất riêng. Một tay cầm gậy chọc xuống đất, tay kia nhanh chóng gieo từng hạt giống xuống từng lỗ. Đó là những hạt giống chất chứa bao mưa nắng của trời, bao hy vọng cho một vụ mùa ấm no, một cuộc sống đủ đầy, sung túc, được đồng bào cất giữ cẩn thận bên trong những nếp nhà sàn. Khi hạt giống được gieo xuống bằng tất cả sự nâng niu, trân trọng cũng là khi đồng bào Bru-Vân Kiều cầu xin các vị thần bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở, để ngày thu hoạch, cánh đồng chắc hạt, nặng bông.

Sau khi cúng xong, tất cả dân bản cùng du khách thập phương cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ vừa thưởng thức những món ăn dân dã, vừa chuyện trò. Đây cũng là những giây phút được đồng bào đón chờ nhất bởi là cơ hội ngồi bên nhau sau những ngày vất vả, chia sẻ cùng nhau những dự tính cho mùa vụ sắp tới. Phần hội được diễn ra trong không khí háo hức, rộn ràng. Không phân biệt già trẻ, lớn bé, đồng bào và du khách cùng hòa mình vào không gian của phần hội với các trò chơi dân gian. Đó là lúc họ tạm gác lại những chật vật, vất vả của cuộc sống nơi bản làng xa xôi để cùng vui vầy bên nhau, được hòa mình vào không gian văn hóa.

Đời sống tinh thần của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình khá phong phú với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Dù trải qua những biến thiên của thời gian, của đời sống, bà con vẫn gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, đó là trò chơi dân gian, các lễ hội, những điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống. Lễ hội trỉa lúa được tổ chức hằng năm là cơ hội để đồng bào phô diễn những nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc mình. Đó chính là khi những vốn liếng văn hóa truyền thống, những mỹ tục của dân tộc được trân trọng và thăng hoa.

Lễ hội trỉa lúa là lễ hội có ý nghĩa quan trọng đối với người Bru-Vân Kiều. Lễ hội thể hiện ước vọng của người dân về một mùa màng bội thu, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào và du khách được giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng. Lễ hội trỉa lúa mang tính cộng đồng cao bởi khi tổ chức lễ hội, tất cả bà con đều đến chung vui và cùng nhau góp sức chuẩn bị cho việc cúng tế. Với du khách, tham gia lễ hội là cơ hội để tìm hiểu những nét đẹp truyền thống, những đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bru-Vân Kiều phía Tây Quảng Bình. Du khách sẽ được chứng kiến những lễ nghi kỳ thú, được đánh chiêng, múa hát, uống rượu cần, thưởng thức những món ăn đặc trưng và cùng vui chơi hồn nhiên với những đồng bào hiền lành, chân chất như núi rừng Trường Sơn.

Cùng với nhiều di sản khác, lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (thuộc loại hình lễ hội truyền thống). Cùng với các lễ hội đặc sắc khác, lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều đã làm nên sức hút đối với du khách khi đặt chân đến với Quảng Bình.

Lễ hội nhiều màu sắc và hoạt động đặc sắc.
Lễ hội nhiều màu sắc và hoạt động đặc sắc.

Cách Tham Gia Lễ Hội cho các du khách

Để cùng hòa mình vào không khí lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, du khách có thể đến với xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào dịp tháng 7 âm lịch hằng năm. Nếu yêu thích khám phá, trải nghiệm mạo hiểm, muốn ngắm nghía vẻ đẹp của núi rừng, khe suối Trường Sơn, du khách có thể đi thuyền máy ngược dòng sông Long Đại, vượt thác Tam Lu trước khi dừng chân tại trung tâm xã. Đây cũng là trải nghiệm thú vị cần có khi đặt chân đến với vùng đất phía Tây Quảng Bình này. Nếu muốn dễ dàng và thuận lợi hơn, du khách có thể đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ chừng vài chục km để đến với đồng bào xã Trường Sơn. Ngoài lễ hội trỉa lúa, tại đây, bạn có thể khám phá thêm điểm du lịch sinh thái suối Chà Cùng-Chà Rào, chinh phục hang Sơn Nữ – một hang động tuyệt đẹp vừa được phát hiện.

Tìm hiểu văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất phía Tây Quảng Bình chắc chắn sẽ là những trải nghiệm thú vị, khó quên đối với du khách.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue