Tin tức

Những lễ hội gắn liền với đời sống của người dân làng biển Quảng Bình

Quảng Bình có bờ biển dài 116,04 km, cùng với truyền thống nghề ngư, rất nhiều các lễ hội mang đậm bản sắc miền biển được hình thành.
Lễ hội truyền thống nói chung và các lễ hội ở miền biển ở Quảng Bình là những hình thức phản ánh khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no, tín ngưỡng, tình cảm của cộng đồng đối với thần linh, những người có công lao đối với đất nước phù hộ cho cộng đồng trong cuộc sống mưu sinh.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội cầu ngư Là một lễ hội truyền thống của nhân dân các làng chài ven biển nước ta. Ở nhiều làng biển Quảng Bình, lễ hội cầu ngư luôn là lễ hội quan trọng nhất của ngư dân và có thời gian tổ chức và quy mô khác nhau. Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ tục thờ Cá Voi (Cá Ông) của cư dân miền biển. Khi có cá voi chết dạt vào bờ, ngư dân tổ chức chôn cất và lập miếu, lập lăng để thờ, mỗi năm đều tổ chức lễ cúng vào dịp rằm giêng hoặc tháng tư âm lịch với nhiều trò diễn xướng dân gian truyền thống trong đó nổi bật hơn cả là múa bông, chèo cạn,…

  • Lễ hội cầu ngư ở làng Cảnh Dương diễn ra vào dịp rằm tháng giêng. Quy mô của lễ hội thường tùy thuộc vào mùa vụ của năm trước. Sau lễ hội cũng là lúc địa phương phát động lễ ra quân đánh bắt hải sản năm mới.
  • Lễ cầu ngư ở làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 âm lịch tại đình làng. Phần lễ có Cổ lễ và xướng kép, phần hội có đua thuyền trên sông Dinh.
  • Lễ Cầu ngư làng Quy Đức (huyện Bố Trạch). Diễn ra tại đình Nam Hải vào các ngày từ 30 tháng 3 đến mồng một tháng tư âm lịch hàng năm. Tối 30 sẽ là phần cáo chay cho lễ chính diễn ra vào sáng mồng một tại đình làng. Phần xướng lễ có trống chiêng rộn ràng, người có uy tín trong làng sẽ đọc văn tế, sau phần lễ sẽ đến phần biểu diễn nghi thức cầu mùa.
  • Lễ hội cầu ngư ở xã Hải Ninh huyện Quảng Ninh. Trước đây, lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 6 âm lịch hàng năm. Sau cách mạng tháng Tám, hòa chung không khí của ngày Quốc khánh nên Lễ hội được dời qua tổ chức vào dịp 2/9 hàng năm. Từ tối ngày mồng 1 tháng chín, Lễ cúng tế thần biển đã diễn ra tại bãi biển với nhiều nghi thức nghiêm trang.
  • Lễ hội cầu ngư ở xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Được tổ chức vào dịp rằm tháng 4 âm lịch, phần lễ được tiến hành trang trọng với ý nghĩa tâm linh của ngư dân vùng biển. Phần hội có biểu diễn mùa bông và chèo cạn như một số lễ hội cầu ngư ở các làng biển khác.
  • Lễ hội cầu ngư tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân xã biển này. Trước đây, Lễ hội cầu ngư ở Bảo Ninh không chỉ gói gọn trong phạm vi xã Bảo Ninh mà mở rộng ra với người dân các làng biển lân cận như Quang Phú, Hải Thành,… Họ cũng tụ tập về lăng Cá ông tại Bảo Ninh để cùng nhau hành lễ. Lễ hội cầu ngư xã Bảo Ninh thường được tổ chức trong ba ngày từ 14 đến 16 tháng 4 âm lịch hàng năm. Hiện nay, do điều kiện phát triển, quy mô các làng, xã được mở rộng nên việc tổ chức lễ đã được chia ra từng địa phương riêng lẻ.

Lễ hội cầu mùa

Lễ hội này có nhiều tên gọi khác nhau nhưng chung quy lại vẫn với mục đích cầu mong các đấng thần linh (thần biển, thần nông, trời, đất…) phù hộ cho nhân dân mùa màng bội thu. Tiêu biểu như:

  • Lễ hội Lục niên cảnh độ: là lễ hội lớn của thành phố Đồng Hới, lễ hội này vừa mang tính chất của lễ hội cầu mùa (cầu ngư) vừa mang tính chất của tế lễ, cầu siêu cho những người không may tử nạn trên sông, trên biển của bộ phận cư dân ven biển vùng Đồng Hới xưa. Trước đây, lễ hội này được tổ chức mỗi năm một lần, nhưng càng về sau đến ngày nay thì 6 năm mới được tổ chức một lần và cũng được thay đổi tên gọi thành Lễ hội bơi trải “lục niên cảnh độ”. Thời gian tổ chức trong 3 ngày với nhiều phần, nhiều nghi thức tế lễ diễn ra ở các miếu thờ, lăng thờ cá Ông cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như Múa Bông, Hò khoan chèo Cạn. Ngày thứ nhất của Lễ hội sẽ là lễ Trình Mũi, ngày thứ hai là phần chính lễ với chương trình bơi trãi của các trai làng. Ngày cuối cùng là Lễ buông phao.
  • Lễ hội bơi trải làng Cảnh Dương cũng là lễ hội lớn, bên cạnh ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, một mùa đánh bắt nhiều tôm cá. Lễ hội còn là dịp để các trai bơi là những ngư dân trổ tài vượt qua sóng biển, phát huy tinh thần đoàn kết, kỹ thuật điêu luyện điều khiển con thuyền chinh phục biển khơi. Khác với các lễ hội bơi trải ở các địa phương khác trong tỉnh chỉ diễn ra trên sông, Lễ hội bơi trải làng Cảnh Dương lại diễn ra trên biển. Lễ hội được tổ chức 5 năm 2 lần vào dịp quốc khánh 2/9.

Ngoài các làng xã, địa phương tổ chức lễ hội bơi đua truyền thống quy cũ như trên, Quảng Bình còn nhiều làng xã khác có tổ chức lễ hội này nhưng quy mô nhỏ hơn, số lượng người tham gia cũng ít hơn như: Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hải Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch); Duy Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh); Văn hóa, Tiến Hóa (Tuyên Hóa); Quảng Tùng, Quảng Đông, Quảng Văn, Quảng Lộc (Quảng Trạch),…

Không khí lễ hội đua thuyền truyền thống đông vui, nô nức.
Không khí lễ hội đua thuyền truyền thống đông vui, nô nức.

Các lễ hội khác

Ngoài hai loại hình lễ hội chính là Lễ Hội cầu ngư và Hội Cầu mùa như đề cập ở trên thì ở Quảng Bình còn có một số loại hình lễ hội khác như:

  • Hội làng Cảnh Dương. Với nhiều hoạt động phong phú như Hội cờ người, hội thổi cơm thi, lễ rước lửa thiêng,… được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán.
  • Lễ hội ở Quảng Bình là dịp để con em quê hương làm ăn xa có dịp trở về với nguồn cội, được đắm mình trong không khí náo nhiệt, vừa được thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần gắn bó thân thuộc vừa là dịp để gặp gỡ người thân.

Trong xu thế hòa nhập, mở cửa, giao lưu văn hóa hiện nay, việc giữ gìn, tôn tạo các lễ hội còn nhằm mục đích nuôi dưỡng tinh thần, niềm tự hào với truyền thống dân tộc, quê hương, góp phần giáo dục tinh thần cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm với quá khứ và hiện tại.

Đặc biệt, việc phục hồi và phát huy những giá trị tốt đẹp của các lễ hội là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương. Đã có nhiều lễ hội được đưa vào cách chương trình tham quan, trải nghiệm cho khách du lịch. Người dân ở các địa phương nơi diễn ra lễ hội đã có ý thức xây dựng, phát triển các dịch vụ như homestay, nhà hàng, cho thuê trang phục, bán hàng lưu niệm cho du khách để nâng cao thu nhập.

Các lễ hội ở Quảng Bình thường mang tính tâm linh nên khi tham dự lễ hội các bạn cần chú ý đến việc trang phục cho phù hợp giữ thái độ lịch sự khi để cùng người dân bản địa hòa vào không khí của những lễ hội độc đáo tại nơi đây.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Blue Diamond Camp
Tin tức

Du lịch MICE và những thông tin bạn cần biết

Du lịch MICE tập trung vào việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm và sự kiện, mang
Cung đường trekking Tú Làn độc đáo và thú vị dành cho các gia đình và trẻ nhỏ.
Tin tức

Sự phát triển của Wellness Tourism: Tại sao ngày càng nhiều người chọn kỳ nghỉ lành mạnh?

Ngày nay, sự quan tâm đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống ngày càng trở nên quan trọng hơn