Trải nghiệm

Lễ hội đập trống giữa mùa trăng biên cương

Bao đời nay, đồng bào Ma Coong sống dưới những tán rừng rậm của đại ngàn Trường Sơn. Rừng ôm ấp, chở che. Rừng cho cái ăn, cái mặc, cho cả những truyền thuyết đượm màu sắc huyền hoặc về đại ngàn, về cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân bản địa để giữ đất, giữ bản, giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo không bị thời gian và biến chuyển thời cuộc làm cho mai một. Lễ hội đập trống Ma Coong vào đêm 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm chính là một trong những nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của người Ma Coong ở miền biên viễn phía tây Quảng Bình, được lưu giữ từ đời này sang đời khác…

Để đến với đồng bào Ma Coong, từ Km 0 đường 20 Quyết Thắng, du khách phải vượt khoảng 60 km đường rừng đèo dốc khúc khuỷu lên gần biên giới Việt – Lào. Người Ma Coong thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, sử dụng ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Cơ Tu. Ở Quảng Bình, đồng bào chủ yếu cư trú ở xã Thượng Trạch và một bộ phận sống xen cư với người A Rem (thuộc dân tộc Chứt) ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Sinh sống lâu năm trong những bản làng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Ma Coong còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, trong đó Lễ hội đập trống được xem là lễ hội quan trọng nhất trong năm.

Người dân trong làng cùng nhau thực hiện nghi thức đập trống
Người dân trong làng cùng nhau thực hiện nghi thức đập trống

Vào mỗi dịp đầu năm mới, khi tết Nguyên đán vừa kết thúc, cũng là lúc đồng bào Ma Coong lại náo nức chuẩn bị tổ chức Lễ hội đập trống chào đón mùa trăng mới. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, người Ma Coong sống giữa núi rừng, đời sống tuy bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nhưng cũng được xem là yên ả. Bỗng một ngày, từ đâu xuất hiện một con khỉ ác to lớn, hằng đêm thường vào phá rẫy, phá bản. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, dân bản liên tục bị mất mùa, đau ốm triền miên. Bẫy không được, đuổi không xong. Cuối cùng, dân làng nghĩ ra cách dùng tiếng trống âm vang để xua đuổi khỉ ác. Người Ma Coong cho rằng chính tiếng trống cùng với sự giúp đỡ của Giàng làm cho khỉ ác không dám trở lại, bản làng được bình yên. Từ đó, dân bản tổ chức Lễ hội đập trống để biểu hiện lòng thành đối với các vị thần linh, tưởng nhớ tổ tiên và cầu cho bốn mùa mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân bản được ấm no.

Già làng làm lễ tế cúng Giàng
Già làng làm lễ tế cúng Giàng

Lễ hội quan trọng này được chuẩn bị từ trước hàng tháng trời, với sự góp sức của toàn thể dân bản. Khâu chuẩn bị trống – tâm điểm của lễ hội vô cùng quan trọng. Tang trống thường được làm từ cây chi-cúp, một loại cây của rừng già Trường Sơn, đường kính khoảng 50 – 60 cm; dùng da bò hoặc trâu (trước đây người ta dùng da thú rừng) để bịt mặt trống, sau đó sử dụng những sợi mây rừng và nêm có tác dụng định vị cho lớp da trên mặt trống căng ra. Dùi trống được làm từ những đoạn mây rừng. Mỗi năm, da trống chỉ sử dụng một lần, còn tang trống sẽ được cất lại cho mùa sau.

Trống được dân làng chuẩn bị trước buổi lễ.
Cận cảnh chiếc trống được dân làng chuẩn bị cho buổi lễ.

Lễ vật cúng Giàng của người Ma Coong thường có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn mây và một khúc thân cây đoác. Để có được lễ vật cho lễ hội, người Ma Coong thường chuẩn bị rất công phu. Hằng năm, từ khoảng tháng 5 âm lịch, đồng bào đã tiến hành ngăn đập trên con suối Aky. Đến ngày diễn ra Lễ hội đập trống, người ta bắt cá ở đó để cúng Giàng. Đây là khu vực cấm của làng, nếu ai vi phạm đánh bắt cá ở đó sẽ bị phạt rất nặng (trước đây thường là ba vò rượu cần lớn). Khi lễ hội diễn ra, già làng là người đầu tiên được phép xuống khu vực cấm để thả lưới bắt cá cúng thần, sau đó dân bản mới xuống đánh bắt.

Lễ vật cúng Giàng của người Ma Coong
Lễ vật cúng Giàng của người Ma Coong

Bước vào lễ hội, ngay từ sáng sớm, đồng bào Ma Coong cả già lẫn trẻ ở khắp các bản gần xa, thậm chí ở tận nước bạn Lào, diện những bộ áo quần đẹp nhất kéo nhau về bản Cà Roòng I – nơi diễn ra lễ hội đập trống. Ai nấy đều vui tươi, háo hức. Tại nơi hành lễ ở trung tâm bản, mâm lễ được bày ra sẵn sàng để cúng thần linh, chiếc trống được treo ở vị trí trang trọng nhất. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu các dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.

Khi trăng lên đỉnh đầu, tỏa rạng khắp núi rừng, khắp bản làng là lúc vào giờ khai lễ. Già làng mở đầu lễ tế cúng Giàng, cúng tổ tiên và khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu Giàng và tổ tiên phù hộ cho dân bản sống yên lành, khỏe mạnh, đoàn kết, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Sau đó, các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt thay nhau cầu khấn. Nghiêm trang trong bộ trang phục truyền thống chỉ được mặc trong dịp lễ hội đập trống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, gồm áo màu đen cài khuy bạc, váy màu đen gấu viền đỏ, vòng bạc,… các thành viên ban chủ lễ đem theo tâm niệm thành kính tiến hành hành lễ, khẩn cầu thần linh phù hộ, che chở cho con cháu tộc người Ma Coong.

Kết thúc phần lễ, già làng tuyên bố bắt đầu lễ hội đập trống. Bà con dân bản, đại biểu và du khách cùng uống rượu mừng mùa trăng mới, cùng tham gia đập trống trong tiết trời xuân lạnh se sắt. Theo quan niệm của người Ma Coong, năm nào đánh đến sáng mà mặt trống vẫn chưa nứt, thì năm đó dân bản sẽ mất mùa. Vì thế, cả chủ lẫn khách, đều rất hào hứng đánh trống cho tới khi mặt trống vỡ. Tiếng trống dồn dập, âm vang giữa sâu thẳm đại ngàn Trường Sơn, hòa cùng men rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia lễ hội. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trổ tài đánh trống nhanh, dồn dập theo tiếng chiêng dưới ánh trăng, vừa cất tiếng hô vang: “Roa lữ, Giàng ơi!” (Sướng quá, Giàng ơi!)…

Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trổ tài đánh trống nhanh
Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trổ tài đánh trống nhanh

Cuối cùng, mặt trống cũng vỡ, cũng là lúc những đôi trai gái yêu nhau hẹn hò, tìm nơi tự tình trong men say quấn quýt. Cho tới lúc đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên, Lễ hội kết thúc, mọi người bịn rịn chia tay nhau trước khi gà gáy sáng để quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình với niềm hy vọng vào một năm mới gặp nhiều may mắn, sung túc. Sau đêm hội, chủ lễ làm lễ xin Giàng được hạ trống xuống và đem tang trống, nồi đồng cất nơi trang trọng tại gia đình ông chủ đất, cũng là chủ lễ để chờ đến mùa hội năm sau.

Ngày nay, không chỉ giới hạn trong phạm vi bản làng của đồng bào, Lễ hội đập trống Ma Coong còn là điểm hẹn thu hút nhiều du khách thập phương tìm về tham dự. Trên đường đến với các bản làng của đồng bào Ma Coong, du khách còn có cơ hội tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng trên cung đường 20 Quyết Thắng – con đường bất tử tuổi hai mươi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân dân Việt Nam trong cuộc trường chinh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của hệ thống núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Vượt hàng chục km đường rừng cheo leo đầy vất vả, nhưng trải nghiệm là hoàn toàn xứng đáng, bởi lẽ về với bản làng Ma Coong vào dịp 16 tháng Giêng âm lịch, du khách không chỉ được tham gia vào một nghi lễ truyền thống đậm tính nhân văn và tính cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều phía tây Quảng Bình, mà còn được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc từ trang phục, phong tục tập quán cho đến sinh hoạt diễn xướng dân gian; và đặc biệt là thưởng thức những món ăn độc đáo mang màu sắc bản địa, như mật ong rừng ngọt lịm, là rượu đoác mềm môi, là các món nướng thịt, cá suối thơm lừng hương vị núi rừng,… Điểm lưu ý lớn nhất đối với du khách khi tham gia vào lễ hội độc đáo này đó là không vi phạm vào những điều cấm kỵ của dân bản, ví dụ như đặt chân xuống suối cấm, hay có trang phục hở bạo không tương xứng với một lễ hội mang tính chất tín ngưỡng lâu đời và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đồng bào.

Ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình”. Đây là niềm vui chung của huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình, cũng như của đồng bào Ma Coong; không chỉ giúp gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa độc đáo của lễ hội truyền thống đặc sắc này, mà còn mở ra cơ hội để thu hút thêm du khách đến với bản làng, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Người dân buôn bán các loại hàng tiêu dùng cho các bà con vùng bản khác
Người dân buôn bán các loại hàng tiêu dùng cho các bà con vùng bản khác

Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Ma Coong đã và đang từng bước có sự thay đổi ngày càng tích cực hơn. Người dân cùng nhau chung tay bảo tồn những phong tục, tín ngưỡng truyền thống đặc sắc của mình, đồng thời loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Và cứ mỗi độ xuân về, ở nơi biên cương phía tây Quảng Bình, tiếng trống đêm hội 16 tháng Giêng âm lịch lại vang lên giữa đại ngàn, thể hiện đậm nét sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, cũng là nơi thăng hoa của bao tình yêu đôi lứa; trở thành nét văn hóa độc đáo, riêng biệt rất đáng để tìm hiểu của đồng bào dân tộc Ma Coong giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ./.

 

 

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue