Trải nghiệm

Lễ hội cúng của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình: Đậm đà bản sắc văn hóa

Sinh sống ở dải đất hẹp nhất cả nước nằm ven biển miền Trung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Bình chỉ có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2, với dân số tính đến cuối năm 2021 là 10.907 hộ, 45.400 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 6.417 hộ, 27.004 nhân khẩu. Đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều, tập trung vào hai dân tộc chính là Bru-Vân Kiều và Chứt. Các DTTS lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như Arem, Rục…, sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội hết sức khó khăn. Dẫu vậy, trong quá trình sinh tồn và phát triển, đồng bào các DTTS Quảng Bình đã sáng tạo và gìn giữ rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo, phản ánh khát vọng sinh tồn của cộng đồng cũng như đời sống kinh tế – xã hội của mỗi tộc người; trong đó, các lễ hội cúng cổ truyền của đồng bào mang nhiều nét đẹp văn hóa tâm linh sâu sắc. Dưới đây là những nghi lễ, lễ hội độc đáo đáng chú ý:

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều

Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình chia làm 4 nhóm tộc người là Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Họ sinh sống chủ yếu tại các xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa và Bố Trạch. Đồng bào Bru-Vân Kiều có đời sống văn nghệ dân gian tươi vui và phong phú; đặc biệt, lễ hội mừng cơm mới được xem là sự kiện lớn nhất trong năm của cả cộng đồng. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần lúa, Lễ hội mừng cơm mới được coi là lễ Tết của đồng bào, là dịp để người dân báo cáo với trời đất, tổ tiên, thổ thần về kết quả của mùa lúa đã qua, cám ơn các vị thần linh, trước hết là thần lúa đã cho bản làng một vụ mùa bội thu. Đồng thời, lễ hội cũng nhằm cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà, người người đều dồi dào sức khỏe.

Khi lúa chín vàng nương rẫy và được gặt về nhà, đồng bào Bru-Vân Kiều bắt đầu sửa soạn tổ chức lễ hội mừng cơm mới. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng bản và tình hình mùa màng trong năm mà ở mỗi bản và mỗi dòng họ tổ chức lễ hội vào từng thời điểm khác nhau, cách thức cúng bái, bày trí mâm cỗ cũng khác. Về cơ bản, thường mỗi hộ góp một con gà, vài lon gạo nếp, rượu,… Một đặc điểm chung là mâm cỗ của mỗi hộ gia đình thường có một dĩa cơm nếp mới. Món ăn này sẽ do chính các thành viên trong gia đình cùng làm ra. Cơm nếp than và cả cơm nếp trắng sẽ được nướng trên bếp than. Ngoài ra, mâm cỗ sẽ có một bát nước và dùng cây tre để làm ra những bông hoa, biểu trưng hình ảnh bông lúa để dâng lên cúng Giàng. Mâm lễ vật của bản thường phải có thịt bò, dê, hoặc lợn và ché rượu cần được ủ lâu năm.

Vào buổi sáng của ngày đã được chọn để làm lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn (hoặc bò, hoặc dê) để làm lễ tế sống (hiến sinh). Già làng làm lễ tế, sau đó giết lợn để làm lễ cúng. Lời khấn trong lễ cúng có nội dung xin các thần, thần lúa phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, một vụ mùa mới may mắn, bội thu!

Sau lễ cúng là đến phần hội, dân bản cùng nhau ăn uống thoải mái, trò chuyện vui vẻ. Khi men rượu đã ngà ngà là lúc điệu xa nớt (hát đối đáp) cất lên cùng với điệu kèn khui/khalui trầm ấm. Trong sự hòa điệu của lời ca tiếng hát, đồng bào cùng nhau cầu mong cho mùa màng tươi tốt, dân bản bình an. Những trò chơi dân gian như chơi xà hùa, cháy xà rì, kéo co,… được dân bản tham gia rất nhiệt tình, làm cho không khí lễ hội càng thêm sôi nổi. Đây cũng là thời gian bà con họ hàng đi thăm hỏi nhau, con cháu lấy chồng xa về thăm bố mẹ, ông bà. Theo tập quán, trong dịp này con gái đi lấy chồng xa thường mang con gà, típ cơm về biếu bố mẹ và anh em. Lễ hội kết thúc, bố mẹ, anh em lại gói quà cho chị, em gái mình mang về.

Lễ hội mừng cơm mới là một trong những nét văn hóa độc đáo được đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Lễ hội có giá trị đặc sắc về lịch sử cũng như văn hoá tộc người, rất đáng để các nhà nghiên cứu và du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá. Do đó, với Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

Cùng với các tộc người Sách, Mày, Rục, A Rem, đồng bào Mã Liềng là một trong các tộc người thuộc dân tộc Chứt, cư trú chủ yếu tại hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) và một phần ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Sinh sống lâu đời dưới những tán rừng của đại ngàn Trường Sơn, ước mong lớn nhất của người Mã Liềng là mùa màng bội thu, săn bắn được nhiều thú rừng. Vì thế, sinh hoạt tín ngưỡng phổ biến nhất ở họ chính là việc thờ cúng các vị thần liên quan đến các hoạt động trên như thần núi, thần đá (ôn tà tá), thần đất (ôn a tác), thần rừng (ôn sầm mờ gấu), thần lúa và các cumuych (ma) như cumuych pếp (ma bếp), cumuych brú (ma rừng rú),… Người Mã Liềng quan niệm thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng, vì vậy phải tổ chức cúng thần rừng để cầu mưa thuận gió hòa, săn bắt, hái lượm được nhiều sản vật, gia đình, bản làng yên ổn. Lễ cúng thần rừng cũng là dịp để cảm ơn các vị thần đã phù hộ độ trì, bảo hộ cho cuộc sống dân bản được bình yên, no ấm.

Lễ cúng thần rừng trước kia thường được đồng bào Mã Liềng tổ chức vào dịp lễ Klốplô (lấp lỗ) được thực hiện sau khi công việc trỉa lúa hoàn tất, khoảng ngày 7/7 hằng năm; hoặc vào dịp lễ Chăm ba bói (cúng cơm mới) khoảng ngày 10/10 hằng năm, là nghi lễ đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất, cúng tạ thần linh đã cho người dân vụ mùa bội thu. Ngày nay, cùng với việc định canh định cư, trồng lúa nước, người Mã Liềng làm lễ cúng thần rừng vào dịp mùng 1 Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2/9, sau khi hoàn thành việc gieo cấy vụ đông – xuân và thu hoạch vụ hè – thu.

Ở phía sau bản làng, lễ hội sẽ được tổ chức. Dân làng có thể chọn số lượng mâm cúng theo nhu cầu và khả năng. Mâm cúng sẽ được đặt phía trước rừng để thầy cúng làm lễ. Trước đó, các gia đình phải làm lễ cúng tổ tiên trong nhà.

Người Mã Liềng liên kết với thần linh thông qua việc sử dụng cây nến làm từ sáp ong và họ không sử dụng vàng mã trong các nghi lễ. Lễ vật chỉ bao gồm những thực phẩm và đồ uống mà người dân sử dụng hàng ngày: Xôi, cơm, rượu, thịt, cá, gà luộc,… Thầy cúng dùng hai miếng gỗ ngắn làm bằng thanh cây tre hoặc nứa ném vào một con dao để “xin keo”, qua đó xác định sự đồng ý hoặc không đồng ý của thần linh đối với nguyện vọng của dân bản. Người Mã Liềng thường tổ chức lễ cúng thần rừng từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, sau đó, các thành viên tham gia tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà của trưởng làng để cùng nhau ăn uống và giải trí.

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng là một hoạt động tâm linh có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên, ý thức bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên của đồng bào Mã Liềng. Đây cũng là dịp để thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa người dân trong bản.

Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều

Lễ hội trỉa lúa (hay còn gọi là lễ lấp lỗ) của người Bru-Vân Kiều diễn ra vào khoảng giữa tháng 7 (âm lịch), là lễ hội quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Nghi lễ diễn ra với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ hàng năm ra gieo (trỉa) xuống đất thì cầu mong các vị thần bảo hộ để hạt giống sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông, mùa màng bội thu.

Vào dịp lễ hội, mỗi gia đình cử ra một người đem thóc lúa của nhà mình (đựng trong một cái gùi nhỏ) đến để làm lễ. Trai bản khiêng đến một con lợn trắng để làm lễ tế sống. Vào ngày khai hội, dân bản cùng nhau tụ tập bên khám thờ, nơi thờ cúng các vị thần linh cai quản đất đai, cây cỏ, con người. Già làng bước vào giữa vòng tròn, tay cầm ly rượu, cất cao giọng khấn vái, mong các vị thần ban cho dân bản sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu.

Sau đó, một con lợn được giết mổ làm lễ vật cúng tế. Già làng và các vị cao niên trong bản cùng nhau thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm nia đựng hạt giống, vừa nhún nhảy vừa khấn vái, cầu thần lúa phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Kết thúc phần lễ, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ, vui vẻ ăn uống và trò chuyện, đồng thời tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào.

Lễ hội trỉa lúa là một nghi lễ quan trọng, cũng là một nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Bru – Vân Kiều. Ngày 3/2/2021, “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân xếp thành vòng tròn trong lễ hội trỉa lúa.
Người dân xếp thành vòng tròn trong lễ hội trỉa lúa.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Người Ma Coong chủ yếu sinh sống ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Một bộ phận nhỏ người Ma Coong còn sống xen cư với người A Rem (thuộc dân tộc Chứt) ở xã Tân Trạch, cùng huyện. Sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Ma Coong lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo. Trong đó, Lễ hội đập trống được xem là lễ hội quan trọng nhất trong năm.

Xuất phát từ truyền thuyết dùng tiếng trống xua đuổi một con khỉ ác ra khỏi bản làng để người dân được sống bình yên, Lễ hội đập trống của người Ma Coong là một lễ hội quan trọng, được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội này là dịp để người Ma Coong thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân bản ấm no.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người Ma Coong đã phải chuẩn bị từ trước hàng tháng trời. Họ cùng nhau làm trống, đan lồng gà, chuẩn bị lễ vật cúng. Trống được làm từ cây chi-cúp, mặt trống được bịt da bò hoặc da trâu, dùi trống được làm từ những đoạn mây rừng. Lễ vật cúng Giàng của người Ma Coong thường có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn mây và một khúc thân cây đoác. Để bắt cá cúng Giàng, người Ma Coong đã tiến hành ngăn đập trên con suối Aky từ khoảng tháng 5 âm lịch. Khi lễ hội diễn ra, già làng là người đầu tiên được phép xuống khu vực cấm để thả lưới bắt cá. Sau đó, dân bản mới được phép xuống bắt cá.

Tại đỉnh núi cao, trăng tròn sáng rực soi rọi khắp bản làng. Lúc này, lễ khai mạc đã bắt đầu. Già làng đứng ra cúng Giàng và tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân bản sống yên lành, khỏe mạnh, đoàn kết, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Sau đó, các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt cầu khấn. Kết thúc phần lễ, già làng tuyên bố bắt đầu lễ hội đập trống. Bà con dân bản, đại biểu và du khách cùng nhau uống rượu mừng mùa trăng mới và tham gia đập trống. Tới khi mặt trống vỡ thì những đôi trai gái yêu nhau có thể hẹn hò, tìm nơi tự tình trong men say quấn quýt.

Lễ hội đập trống là dịp quan trọng để người Ma Coong thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho các thần linh. Trong lễ hội, người dân diện trang phục truyền thống, tham gia các nghi lễ đặc biệt. Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Hiện nay, Lễ hội đập trống Ma Coong không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách quốc tế.

Những trai làng khỏe mạnh tập trung để đập trống.
Những trai làng khỏe mạnh tập trung để đập trống.

Nghi lễ cầu an, cầu mưa của người Rục

Tộc người Rục là một sự tồn tại đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Rục là bộ phận cư dân tiền Việt-Mường hiếm hoi còn lại ở nước ta, được bộ đội tìm thấy từ năm 1959 trong điều kiện sống hoang sơ, biệt lập trong rừng sâu, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Sau gần 65 năm rời cuộc sống ở hang đá để về hòa nhập với cộng đồng, dù nhiều lần bỏ nhà về lại với rừng; nhưng với nhiều nỗ lực của chính quyền đặc biệt là lực lượng biên phòng, sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác, sau rất nhiều năm, đồng bào Rục dần quen với nếp sống định cư, học trồng lúa nước, làm nương,… Đồng bào Rục hiện sinh sống ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa). Họ bắt đầu biết sử dụng điện thoại, xe máy, rồi điện sáng cũng đã về trên bản làng, giúp đồng bào ngày càng hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, còn giữ nhiều cách sinh hoạt của người tiền sử, cổ xưa. Mặc dù không rõ ràng và cụ thể như các tộc người thuộc nhóm Mường, nhưng người Rục cũng đã hình thành cho mình một hệ thống quan niệm gắn liền với các vị thần với tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Thần núi (Cu lôông) được đồng bào Rục xem là vị thần bản mệnh, chi phối đến mọi sinh hoạt trong đời sống nhất là trong vấn đề canh tác nương rẫy. Trước đây, một vụ mùa của người Rục thường trải qua rất nhiều nghi lễ cúng bái và kiêng cữ, từ tìm đất đến trồng trỉa, thu hoạch. Trước khi trỉa hạt, người Rục cúng tạ ơn thần bản thổ và cầu xin các vị thần giúp đỡ. Lễ xuống giống (Kalcống) được tiến hành để cầu xin thần linh phù hộ, làm mưa xuống, bảo vệ không cho thú rừng phá, chuột ăn…

Theo nhiều người già trong bản kể lại, nghi lễ cầu an, cầu mưa của đồng bào Rục đã có từ lâu đời, thường được tổ chức bên những khe suối. Do quá trình du canh du cư cộng với đói khổ, nghi lễ đã bị đứt quãng suốt một thời gian khá dài cho đến khi được nối lại khoảng 1 thập kỷ về trước. Nay, lễ cầu an được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Vai trò chủ lễ do các vị trưởng bản đảm nhận. Đứng ra cúng chính tại buổi lễ thường là một người cao tuổi, có uy tín được người dân trong bản bầu chọn ra. Đặc trưng trong lễ cầu an là bếp lửa được nhen lên từ buổi chiều hôm trước và duy trì đỏ lửa cho đến thời điểm kết thúc lễ. Từ trước đó vài ngày, các thanh niên của bản được phân công vào rừng lấy củi, phụ nữ thì đi hái bắp chuối, rau rừng.

Bên cạnh đó, người dân trong bản cũng đóng góp chung một con lợn và các thực phẩm khác như rượu đoác, nếp, gạo, vv. Đặc biệt, những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và uy tín, thường đi vào rừng để tìm kiếm 7 viên đá lèn đặc biệt và 1 bó lá rừng được gọi là tri ang cà panh hoặc xà là bởi người dân địa phương. Trước khi bắt đầu lễ cầu an chính thức, 7 viên đá lèn, sau khi được làm sạch và nung đỏ, sẽ được thả vào những chậu nước chứa lá tri ang cà panh. Theo quan niệm truyền thống, nước này được sử dụng để tẩy uế cơ thể trước khi thực hiện lễ cầu an. Sau đó, tiến hành lễ cầu khấn để xin sự phù hộ của thần linh.

Đường vào với đồng bào Rục mùa ngập nước.
Đường vào với đồng bào Rục mùa ngập nước.

Nét đẹp văn hóa của những lễ hội cúng

Những nghi lễ, lễ hội cúng đặc biệt của đồng bào DTTS ở Quảng Bình vừa là hình thức thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của cư dân bản địa đối với thiên nhiên và thần linh, đồng thời tạo ra một không gian giao lưu văn hóa độc đáo và hấp dẫn cho du khách khám phá và trải nghiệm. Du khách có thể nắm bắt các khoảng thời gian tổ chức lễ hội để sắp xếp phương tiện tiếp cận nơi diễn ra lễ hội. Lưu ý mùa đẹp nhất để tham quan các điểm đến ở Quảng Bình trong đó có các lễ hội của đồng bào DTTS thường là vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Do đồng bào DTTS Quảng Bình chủ yếu sống ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, do đó phương tiện đi lại tiếp cận đồng bào khá khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tìm hiểu, khảo sát, xây dựng và đưa vào khai thác các tour, tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn. Về với những lễ hội cúng của đồng bào DTTS, du khách không chỉ được tham gia vào những nghi lễ truyền thống linh thiêng mang đậm tính nhân văn và tính cộng đồng của đồng bào DTTS sinh sống giữa rừng đại ngàn phía tây Quảng Bình, mà còn được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc từ trang phục, phong tục tập quán cho đến sinh hoạt diễn xướng dân gian; và đặc biệt là thưởng thức những món ăn độc đáo của địa phương,… cũng như kết hợp tham quan các điểm du lịch lân cận vùng cư trú của đồng bào.

Du khách có thể khám phá lễ hội mừng cơm mới của bà con Bru – Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) kết hợp khám phá hang Chà Lòi và tìm hiểu đời sống văn hóa của người Bru – Vân Kiều tại bản Còi Đá; cũng như tham quan các điểm đến hấp dẫn vùng du lịch phía nam tỉnh như Suối Bang, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh – người đi mở cõi phương Nam, chùa Hoằng Phúc,… Khi trải nghiệm lễ hội trỉa lúa của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), du khách có thể khám phá các điểm đến Chà Rào, Chà Cùng, hang Sơn Nữ tuyệt đẹp. Trên đường đến với các bản làng của đồng bào Ma Coong để dự lễ hội đập trống, du khách còn có cơ hội tham quan các di tích lịch sử trên cung đường 20 Quyết Thắng hoặc thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận với hệ thống núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. Và, đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông ngược ra các xã Trọng Hóa, Lâm Hóa, Thanh Hóa với đồng bào Mã Liềng, du khách còn có cơ hội tham quan các điểm đến thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, Thác Bụt nổi tiếng với huyền tích hội rằm tháng Ba, đặc biệt là Khu di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Trạm Thông tin A69,… Điểm lưu ý lớn nhất đối với du khách khi tham gia vào các lễ hội truyền thống này đó là nên mặc các trang phục lịch sự, kín đáo, giữ gìn vệ sinh chung, không làm ồn ào, gây mất trật tự ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội cũng như những phong tục, tập quán, kiêng cữ, những điều cấm kỵ của đồng bào,…

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue