Trải nghiệm

Chợ Tình Minh Hóa: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của “miền sơn cước”

Tháng 3, khi mùa con ong đi lấy mật, cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng cao Minh Hóa, Quảng Bình háo hức chờ đón Hội văn hóa truyền thống Rằm tháng 3, nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của người Nguồn sống nép mình bên dãy núi Giăng Màn hùng vĩ. Phiên chợ rằm hay còn được gọi là chợ tình Minh Hóa cũng nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội này. Đây là phiên chợ lớn nhất trong năm và là hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Minh Hóa, ai không đến chợ tình coi như cả năm kém may mắn. Đối với du khách thập phương, đến với Chợ tình cũng sẽ trải nghiệm nhiều điều thú vị về văn hóa, con người và cuộc sống bình dị của người dân Minh Hóa.

Nguồn gốc Chợ tình Minh Hóa

Các cụ cao niên kể lại rằng, chợ tình Minh Hóa bắt nguồn từ câu chuyện về “sự tích Thác Bụt” ở lèn Ông Ngoi.
Chuyện kể về 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Khi họ lên đến đỉnh thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt đang trĩu quả, dưới tán cây là thảm cỏ rộng và có 12 tượng đá giống hình Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá.

Hai anh em thấy cảnh đẹp, không khí trong lành nên đã hái quýt ăn và ngồi nghỉ ngơi tại đây. Khi xuống núi người anh dùng dây rừng buộc lấy một hòn đá và mang xuống núi. Đến thác Cúi, họ đặt tượng đá xuống để tắm. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không tài nào nhấc nổi. Bực mình, anh ta liền dùng rựa ghè sứt môi tượng đá và ra về. Điều kỳ lạ là những ngày tháng sau đó, những người trong dòng tộc của họ sinh ra đều có một người bị sứt môi, hở hàm ếch. Từ khi có tượng đá xuất hiện ở Thác Cúi, thì làng Yên Đức xãy ra nhiều hiện tượng ly kỳ, lèn rơi, đá lở, mùa màng thất bát, dân làng sinh ra nhiều dịch bệnh, các loại thú rừng về phá hoại mùa màng, bắt hết vật nuôi. Cuộc sống của người dân rất u ám. Thấy vậy, các cụ cao niên trong làng bàn nhau lập đàn khấn vái, khi đang khấn thì có người lên đồng tự xưng là Bụt ở Thác Cúi và đòi dân làng lập bàn thờ cúng tế. Dân làng đã làm theo, lập bàn thờ và tổ chức cúng tế, đồ lễ là con gà luộc, cơm xôi, bánh chưng, bánh ít, trầu cau, không cúng đồ mặn, và chỉ có đàn ông mới tham gia cúng tế. Từ đó, dân làng Yên Đức mới có cuộc sống yên ổn trở lại, không những thế mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa.
Nơi có tượng đá bị sứt ở thác Cúi người ta gọi với cái tên Thác Bụt, tượng đá nay vẫn còn cạnh dòng thác, kỳ lạ là khi mưa to, nước dâng cao, dòng thác chảy cuồn cuộn, nhưng khi nước xuống những đồ vật được đặt gần tượng đá vẫn nằm nguyên tại chỗ, không bị cuốn trôi.
Mới đầu, lễ cúng tế diễn ra liên tục trong nhiều ngày, sau đó đã được dân làng bàn bạc, rút ngắn thời gian và quyết định chỉ cúng vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Rằm tháng 3 ra đời từ đó.

Và trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Rằm tháng 3, phiên chợ rằm vào sáng 15 tháng 3 âm lịch diễn ra tại chợ Sạt ngày xưa, nay là chợ Quy Đạt được người bản xứ nhắc đến với cái tên chợ tình. Bởi vì ngày xưa khi các phương tiện giao thông chưa phát triển, đường sá đi lại khó khăn, bà con đồng bào các dân tộc muốn đi chợ rằm phải xuất phát từ sớm mới kịp phiên chợ, hơn nữa các hoạt động dâng hương tại Thác Bụt diễn ra vào ngày 14 tháng 3 âm lịch, do đó vào mỗi dịp rằm tháng 3 bà con tập trung tại trung tâm huyện rất đông. Nhiều nam thanh nữ tú khắp mọi miền Tổ quốc cũng về đây để cùng trẩy hội, qua những ánh mắt, câu chuyện làm quen nơi phiên chợ đã giúp nhiều người nên đôi lứa ngay từ lần gặp đầu tiên, cũng có những đôi thề hẹn ước gặp nhau ở phiên chợ năm sau.

Âm nhạc sôi động đêm Hội Rằm.
Âm nhạc sôi động đêm Hội Rằm.

Vì sao được gọi là chợ tình?

Thực ra đây là một phiên chợ rằm được tổ chức mỗi năm một lần của người Nguồn, nơi có nhiều đồng dân tộc thiểu số sống chung sống ở vùng Minh Hóa như: Khùa, Mày, Sách, Bru Vân Kiều, người Kinh. Thời điểm này trời đang độ mùa xuân, muôn hoa đua nở, mùa con ong đi lấy mật, và cũng là mùa mà những sản vật ở địa phương vào kỳ sinh sôi nảy nở. Đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ khoác trên mình những bộ áo quần mới, đa sắc màu, đậm chất dân tộc để về Hội rằm tháng 3 và đi chợ phiên. Đa số khi xuống chợ, họ đều mang theo các mặt hàng nông sản làm được như: gạo rẫy, mật ong rừng, măng rừng, củ khoai, nải chuối, hong bồi, ốc đực…đồ thủ công mỹ nghệ như Cu tôốc (mâm cơm), a chói (gùi), cà nhăng (gùi nhỏ), típ (giỏ nhỏ đựng cơm), cù pá (giỏ đựng cá),… đem đến chợ để mua bán. Nhiều người ở dưới xuôi biết được phiên chợ rằm cũng mang theo hàng hóa lên phục vụ đồng bào.

Sau một năm lao động mệt nhọc, chợ rằm là nơi để họ tụ tập vui chơi và mua sắm. Đặc biệt, đối với những nam nữ thanh niên độ tuổi 18 đôi mươi họ rất háo hức để đi chợ rằm, vì đây là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, kết bạn với nhau, tìm cho mình một người bạn đời. Rất nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên từ đây. Chính vì vậy mà phiên chợ rằm hàng năm này còn được gọi với cái tên là Chợ Tình.

Ý nghĩa của phiên chợ Tình Minh Hóa

Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa là dịp để người dân nơi đây dâng hương khấn vái thần linh cầu một năm mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe và nô nức trẩy hội chợ rằm. Ngày nay, với những lợi thế về du lịch cùng với các chiến lược quảng bá ngày càng được chú trọng, khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước hằng năm về Minh Hóa đây để tận hưởng bầu không khí linh thiêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt của lễ hội truyền thống này ngày càng tăng.

Rằm tháng 3 Minh Hóa cũng là dịp để huyện Minh Hóa quảng bá tiềm năng du lịch, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp vào khai thác các cảnh đẹp tự nhiên, nhằm phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Lễ hội Rằm tháng 3 được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội cấp tỉnh.

Riêng đối với chợ tình, hòa mình vào phiên chợ tình, là bạn cũng đã trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống của Hội rằm tháng 3 Minh Hóa hàng năm. Tại đây bạn được gặp gỡ, kết duyên với nhiều người dân bình dị, ngắm nhìn những thiếu nữ miền sơn cước đẹp như tiên giáng trần. Cùng cầu may mắn bình an cho bản thân, gia đình và mọi người. Đi chợ tình không hoàn toàn là để mua sắm, đây còn là nơi lưu giữ và quảng bá truyền thống văn hóa của người Nguồn, tín ngưỡng thờ Bụt – nét phong tục đặc sắc mang đến cho người dân một tinh thần lạc quan, đoàn kết để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Địa điểm tổ chức phiên chợ tình

Lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa bắt đầu tổ chức từ 10 tháng 3 âm lịch đến 15/3 âm lịch. Ngày trước chợ tình được tổ chức tại làng Sạt, nhưng nay với sự phát triển về cơ sở hạ tầng, huyện Minh Hóa quy hoạch lại khu dân cư, đơn vị hành chính và đưa Chợ Sạt về tại Tổ dân phố 8 và đặt tên là Chợ Quy Đạt, nằm ngay trung tâm huyện lỵ, tạo không gian rộng cho đồng bào các dân tộc trong huyện và du khách thập phương về trẩy hội và trải nghiệm phiên chợ tình một cách thoải mái nhất. Cứ hằng năm vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, người dân và khách du lịch sẽ đổ về Minh Hóa để tham gia phiên chợ đặc sắc này. Nếu là người trẻ thì đây là dịp để kết thân tình với bạn bè cùng trang lứa ở mọi miền đất nước. Nếu là người kinh doanh buôn bán, hay là người nông dân thì đây là cơ hội để giao thương hàng hóa, kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Con em quê hương đi làm ăn xa chọn đây là dịp trở về để được sống lại ký ức tuổi thơ. Còn với những du khách thập phương thì đây là dịp để tìm hiểu về cuộc sống – con người và những phong tục tập quán riêng có của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Minh Hóa.

Các hoạt động tại phiên Chợ tình

Đến với Chợ tình Minh Hóa, bạn nên lên kế hoạch để có mặt từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, để được trải nghiệm hết các hoạt động của Hội rằm tháng 3. Bắt đầu từ ngày 10 tháng 3 sẽ diễn ra giải bóng chuyền truyền thống, đây được xem là giải đấu lớn nhất, quy tụ những cầu thủ nổi tiếng của quốc gia về tham gia tranh tài.

Tiếp đó là tham gia lễ dâng hương tại Thác Bụt vào sáng 14 tháng 3 âm lịch. Từ sáng sớm tinh mơ, các đoàn đại diện chính quyền huyện Minh Hóa, người dân địa phương và khách du lịch đã đến dâng hương cúng Bụt. Nghi lễ tuy đơn giản nhưng diễn ra rất trang nghiêm. Đây là nghi thức để cầu cho nhân dân có cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy nương rẫy, gia cầm và gia súc không bị bệnh dịch…

Để phục vụ cho du khách khi về vui hội rằm, cũng như xây dựng bảo tồn các làn điệu dân ca, các trò chơi truyền thống, tối 14/3 âm lịch, du khách sẽ được tham gia chương trình Vui trẩy hội. Chương trình được tổ chức tại Sân vận động huyện. Tại đây du khách được hòa mình vào các làn điệu dân ca, cùng người dân địa phương tìm hiểu về cuộc sống dân giã của người dân Minh Hóa qua việc tái hiện trên sân khấu cách đồng bào đi xúc cá, đâm bồi, giã gạo, đan lát….

Ngoài ra, khi tham gia phiên chợ, bạn còn có cơ hội được thử sức mình qua các trò chơi dân gian được tổ chức như: bắn nỏ, ném xoang, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, thả diều, chơi đánh đu, xem đánh bóng chuyền và xem biểu diễn các làn điệu dân ca đặc trưng của vùng miền như: điệu hò thuốc cá, hát sắc bùa, điệu đúm ví và điệu ru con. Bạn cũng có cơ hội được hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống được người dân lưu giữ qua phiên chợ tình.

Nhiều cuộc thi, trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức.
Nhiều cuộc thi, trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức.

Mua bán các loại nông sản địa phương

Đây là phiên chợ lớn nhất trong năm, quy tụ tất cả những nông sản đặc trưng của đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa. Các sản vật vừa tươi ngon, vừa đảm bảo sạch, tự nhiên, được bà con tự trồng được, hoặc đánh bắt ở các khe suối, giá cả cũng rất rẻ. Đồ nông sản khá phong phú và đa dạng bởi vì ai có cái gì bán cái đó, ai có rau thì bán rau, có bánh thì bán bánh, có ốc thì bán ốc…chủ yếu là những mặt hàng nông sản được bà con làm ra. Theo đó, khi đến tham gia phiên chợ bạn không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc trưng, mà còn mua được những sản phẩm cần thiết, ý nghĩa về làm quà.

Những món ăn đặc sản có tại phiên chợ

Ngoài các hàng quán bán các món ăn đặc sản của địa phương, tại chợ tình Minh Hóa cũng có Không gian văn hóa ẩm thực, quy tụ hơn 20 gian hàng của bà con nông dân ở 15 xã thị trấn và các doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội cho du khách được thưởng thức các món ăn độc đáo mang đặc trưng hương vị truyền thống của địa phương. Những món bạn nên thử như ốc đực luộc; ốc khe xào sả ớt; cơm bồi chấm mật ong rừng; khoai môn, thịt rừng; nhộng ong rừng, trứng kiến xào, canh lóng, cá mát…

Đến với Minh Hóa vào dịp này, cũng là thời điểm lý tưởng để bạn khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, đó là hệ thống động Tú Làn ở Tân Hóa, Thác Mơ ở Hóa Hợp, Thác Bụt – Giếng Tiên ở Yên Hóa, hang Rục Mòn xã Hóa Sơn, hồ Yên Phú xã Trung Hóa và các di tích lịch sử như: Đình làng Kim Bảng xã Minh Hóa, Đồi Cha Quang, Cổng trời – Khe Ve xã Dân Hóa, di tích lịch sử Khe Thui xã Hóa Thanh… Đó là tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, khám phá và trải nghiệm.

Đừng bỏ lỡ Minh Hóa, Quảng Bình vào những ngày tháng 3 âm lịch hàng năm để được hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, ngắm trăng rằm tháng ba lung linh huyền ảo, tham gia phiên chợ tình kết duyên nhiều đôi nam nữ nơi miền sơn cước. Thả hồn vào những làn điệu dân ca truyền thống, đậm chất nhân văn như: hò thuốc cá, hò hôi lên, hát sắc bùa, ca trù…. Và một điều rất thú vị chắc chắn sẽ tạo sự tò mò cho bạn đó là được nghe ngôn ngữ của người Nguồn chỉ duy nhất có ở Minh Hóa.

Câu hỏi thường gặp

Chợ Tình Minh Hóa có ý nghĩa gì đối với người dân Minh Hóa?

Chợ Tình Minh Hóa là một phiên chợ đặc biệt, được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày rằm tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để người dân các dân tộc thiểu số ở Minh Hóa, Quảng Bình, gặp gỡ, giao lưu, kết bạn, tìm hiểu về nhau và tìm kiếm cho mình một người bạn đời. Chợ Tình cũng là dịp để người dân Minh Hóa thể hiện những nét văn hóa truyền thống của mình, như các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian,.. Chợ Tình Minh Hóa đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân Minh Hóa và là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách.

Các hoạt động văn hóa truyền thống nào được biểu diễn tại Chợ Tình Minh Hóa?

Các hoạt động văn hóa truyền thống được biểu diễn tại Chợ Tình Minh Hóa bao gồm:

  • Các làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn, như: hò thuốc cá, hát sắc bùa, điệu đúm ví, điệu ru con,…
  • Các trò chơi dân gian, như: bắn nỏ, ném xoang, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, thả diều, chơi đánh đu,…
  • Các hoạt động văn hóa, thể thao, như: lễ dâng hương tại Thác Bụt, giải bóng chuyền truyền thống,…

Các chàng trai, cô gái đến Chợ Tình Minh Hóa tìm hiểu về nhau như thế nào?

Các chàng trai, cô gái đến Chợ Tình Minh Hóa tìm hiểu về nhau thông qua các hoạt động giao lưu, trò chuyện, các trò chơi dân gian,…Họ có thể tìm hiểu về quê quán, sở thích, tính cách,… của nhau. Nếu có thiện cảm với nhau, họ có thể trao đổi thông tin liên lạc để tìm hiểu thêm. Cũng có những trường hợp, các chàng trai, cô gái gặp gỡ nhau và yêu nhau ngay tại chợ tình.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Trải nghiệm vượt sông Rào Nan
Trải nghiệm

Khám phá và kết nối với thiên nhiên với Top 4 tour trekking cho trẻ em tại Quảng Bình

Thám hiểm vùng đất Quảng Bình với tour trekking cho trẻ em là một cơ hội tuyệt vời để bé
Blue Diamond Camp
Trải nghiệm

Blue Diamond Camp: Tận hưởng du lịch MICE gần gũi với thiên nhiên

Tọa lạc tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, và được bao quanh bởi dòng suối Blue