Điểm du lịch

Đền thờ Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh – Danh tướng mở cõi, tâm điểm linh thiêng

Vị trí lăng mộ và tiểu sử của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc tên một khu đất rộng gần 5ha, cây cối thoáng mát, phong cảnh sông núi hữu tình, sau lưng là núi An Mã, phía trước là dòng Kiến Giang, thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy .

Vị khai quốc công thần, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 (năm Canh Dần), tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi, cả cha và các anh đều là những vị tướng tài có nhiều công lao to lớn đối với các chúa Nguyễn. Ông lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh liên miên giữa Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Sống trong môi trường gia giáo, chứng kiến thế sự truân chuyên của xã hội đương thời, từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, bản lĩnh hơn người. Được sự khuyến khích của người cha, Nguyễn Hữu Cảnh chuyên tâm rèn luyện võ nghệ và binh pháp nên khi chưa đầy 22 tuổi ông đã được chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu tin cẩn, giao cầm quân “thống binh” xông pha trận mạc. Nhờ có tài thao lược trong dụng binh mà ông lập được nhiều chiến công hiển hách.

Những hiện vật liên quan đến cuộc đời Nguyễn Hữu Cảnh được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Bình.
Những hiện vật liên quan đến cuộc đời Nguyễn Hữu Cảnh được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Bình.

Công lao mở mang bờ cõi của Nguyễn Hữu Cảnh

Từ năm 1690-1691 vua Chăm Pa lúc bấy giờ là Kế Bà Tranh đã đem quân quấy phá biên giới, sát hại cư dân ở phủ Diên Ninh. Đầu xuân năm 1692 đến mùa xuân năm 1693 (Quý Dậu) Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn phái làm thống binh đem quân dẹp yên bờ cõi. Sau đó ông cho sát nhập toàn bộ các phần đất của Chiêm Thành vào Đàng Trong lập ra trấn Thuận Thành, đến tháng 8 năm 1693 thì đổi tên thành phủ Bình Thuận.

Tháng 2 năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân nghèo khắp xứ Thuận – Quảng di cư vào Nam, điểm đóng quân và dừng chân đầu tiên là vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai ngày nay). Tại đây, ông cho khai hoang, mở đất, dàn xếp biên cương, chia đất định vùng cho nhân dân an cư lạc nghiệp. Ông chính là người đầu tiên bố trí hệ thống các cơ quan nhà nước trên vùng đất mới. Ông cũng là người đã lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh trấn biên (Biên Hòa); Lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn ngày nay), Lập ra đơn vị hành chính tại Sa Hà (sau này gọi là Hạnh Thông Tây Gò Vấp). Tất cả trực thuộc phủ Gia Định. Sau khi đã hình thành nên các đơn vị hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh được sự đồng ý của chúa Nguyễn đã tổ chức cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử khi đưa dân từ vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào khai phá vùng đất hoang vu để có vùng đất Nam bộ phì nhiêu, trù phú như ngày nay. Riêng người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh đã để định cư tại huyện Phước Long (Biên Hòa, Đồng Nai) và huyện Tân Bình (Sài Gòn, Bến Nghé). Nguyễn Hữu Cảnh xứng danh với câu:

“Mở mang biên cảnh thời sơ khởi

Chấn chỉnh miền Nam tự buổi đầu”

Tưởng nhớ công ơn của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Nguyễn Hữu Cảnh mất vào ngày 9 tháng 5 năm 1700 (Canh Thìn), hưởng thọ 51 tuổi. Sau khi ông qua đời, với công trạng được đánh giá rất cao ông được truy phong nhiều chức tước: Lễ Thành Hầu, Khai Quốc Công Thần, được liệt vào hạng “Thượng Đẳng thần” và thờ ở Thái Miếu.

Nguyễn Hữu Cảnh không những có công lao to lớn trong sự nghiệp mở cõi mà còn là vị tướng hết mực thương dân, ông gắn kết các cộng đồng người Kinh, người Chăm, người Hoa, người Khmer cùng đồng lòng phụng sự theo ông khẩn hoang, mở đất vùng phương Nam. Chính vì vậy dân khai hoang xem ông như người đại diện của tổ quốc. ông thỏa mãn được cả yêu cầu về quyền lợi và tình cảm cho nhân dân lưu tán. Sau khi ông mất để tưởng nhớ công ơn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, từ Biên Hòa (Đồng Nai) cho đến Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) đều có đền thờ tưởng niệm Ông. Danh hiệu của ông cũng được đặt tên cho một cù lao đó là cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên và sông Ông Chưởng ở hữu ngạn sông Tiền. Nhiều thành phố có đường phố mang tên ông.

Tại quê nhà của ông ở xã Vạn Ninh người dân cũng lập đền Vĩnh Yên còn gọi là đền Vĩnh An Hầu để thờ Thượng Đẳng thần Vĩnh An Hầu, Lễ THành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Cộng đồng người Hoa cũng lập đền thờ phụng ông ở đình Minh Hương Gia Thành, ngôi đình được xây dựng đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, hay như đền thờ Nam Vang của người Khmer.

Trải qua bao biến cố lịch sử và chiến tranh loạn lạc, một thời gian khá dài ngôi mộ của ông không được hương khói nên dẫn đến bị thất lạc. Mãi đến năm 1991, con cháu, hậu duệ mới tìm lại được. Sau khi được xây dựng và trùng tu lớn vào năm 2013. Lặng mộ Ông có dáng vẽ bề thế cho đến ngày nay. Khu lăng mộ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Từ cổng tam quan đi vào là cây cầu đá bắc qua hồ sen. Bên trong hồ sen vẫn còn dấu tích một giếng nước cũ, thành giếng được xây cao hơn mực nước.

Một nhà bia với lư hương lớn phía trước ngôi mộ. Tấm bia được tạc tạc bằng đá cẩm thạch với kiểu dáng thường gặp giai đoạn cuối triều Nguyễn đến ngày nay. Chính nhờ tấm bia đá này mà con cháu hậu duệ và các học giả mới tìm thấy và xác thực được ngôi mộ của ông sau thời gian dài bị thất lạc.
Mặt trước tấm bia hướng về phía ngôi mộ có khắc 3 dòng chữ Hán được dịch là: Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn; Mộ Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Kính; Người cháu 4 đời của quý hương là quan cai quản đạo quân hưng nghĩa Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào thời Gia Long sơ niên.

Mặt sau tấm bia có nội dung: Ngày 16 tháng 7 năm 1925 Nguyễn Hữu Bài viện trưởng Viện cơ mật, Đại thần thái tử thái phó, Phúc môn bá Đại học sĩ điện Võ Hiện đã mang con là Thị Dương tôn kính phục lập bia mộ này.

Dù mấy thế kỷ đã đi qua, song tên tuổi và sự nghiệp lẫy lừng của Nguyễn Hữu Cảnh còn mãi khắc ghi với người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng: “Công Lễ Thành Hầu đi mở đất, Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”.

Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cách di chuyển và viếng thăm đền thờ

Ngày nay, Di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là địa chỉ thăm viếng của du khách khi đến Quảng Bình.
Từ trung tâm thành phố Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh khoảng 60km đi qua nhiều địa danh như Cầu Long Đại, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại, Di tích lịch sử Km0 đường 10… cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hai bên đường bạn sẽ đến địa phận xã Trường Thủy. Nếu bạn đi theo đường quốc lộ 1A, từ thành phố Đồng Hới đến trung tâm thị trấn Kiến Giang khoảng 40km, từ đây đi thêm khoảng 25km nữa bạn cũng sẽ đến được Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Tốt nhất là bạn nên thuê xe có tài xế quen đường.

Gợi ý kết hợp với các điểm tham quan lân cận

Sau khi thăm viếng tại đây bạn có thể di chuyển ngược về khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang Onsen để nghỉ dưỡng, hoặc quay về Trung tâm thị trấn Kiến Giang để tham quan tiếp các địa danh lịch sử nổi tiếng khác như Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc… và thưởng thức các món ẩm thực vùng quê Lệ Thủy.

Để giữ gìn sự tôn nghiêm của Di tích lịch sử Lăng mộ vị tướng có công lao định biên đất Việt bạn nên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng thuận tiện cho việc di chuyển quãng đường xa.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Phong Nha - Kẻ Bàng
Điểm du lịch

Khám phá những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình

Khám phá những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình, nơi bạn có cơ hội
Đồi cát Quang Phú là một trong những đồi cát cao, rộng trùng điệp du khách có thể thử trò trượt cát, đi xe địa hình trên cát
Điểm du lịch

Cẩm nang du lịch Đồng Hới: Top điểm đến nổi bật và trải nghiệm độc đáo

Tìm hiểu về các điểm đến du lịch tại Đồng Hới, từ những hang động kỳ vĩ đến bãi biển