Điểm du lịch

Tìm hiểu về bản làng người Rục tại Quảng Bình

Đồng bào Rục sinh sống ở ba bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bản làng của đồng bào nằm biệt lập bởi những dãy núi đá vôi bao bọc, giáp với biên giới nước bạn Lào. Vào với đồng bào chỉ có con đường độc đạo duy nhất, con đường nhỏ được bê tông hóa, hai bên đường vách núi cheo leo, cây rừng xanh mướt. Với hơn 600 nhân khẩu, bà con đồng bào Rục có cách sống đơn giản, suy nghĩ của họ như tờ giấy trắng, dựa vào rừng để sinh tồn, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào luôn lạc quan, yêu đời và luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tìm hiểu và khám phá cuộc sống của đồng bào Rục sẽ cho bạn thêm những trải nghiệm mới. Cùng quangbinh.travel tìm hiểu hành trình người Rục trở về từ hang đá.

Hành trình rời hang đá của đồng bào Rục

Những năm 1945, nhiều người dân đi rừng phát hiện có một nhóm người sống ở hang đá, giao tiếp bằng ngôn ngữ lạ mà người ngoài không thể hiểu, thấy người lạ nhóm người này chạy trốn, ẩn náu sâu trong hang hoặc trên các vách núi. Lời đồn về tộc người lạ sống ở vùng miền núi phía tây Quảng Bình thuộc huyện Minh Hóa đã làm tò mò rất nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên từ khi biết có người lạ xâm nhập, tộc người Rục càng ẩn sâu trong rừng và ít xuất hiện.

Mãi đến năm 1959, đồn biên phòng Cà Xèng đóng chân tại xã Thượng Hóa, sau những lần tuần tra, phát hiện và âm thầm theo giỏi, thời điểm ấy nhóm người Rục này không mặc áo quần, leo trèo trên vách đá và nhảy từ cành cây này sang cành cây khác nhanh như con sóc, con khỉ. Sau nhiều lần tiếp cận, thuyết phục và vận động, bộ đội biên phòng đã thành công đưa người Rục từ hang đá về định cư tại các bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp. Nhóm người Rục được vận động ra khỏi hang có 34 người, trong đó có 23 nữ, 11 nam, 04 trẻ nhỏ và một già làng.

Bộ đội biên phòng đã tiếp cận và giúp đỡ người Rục trong thời gian dài.
Bộ đội biên phòng đã tiếp cận và giúp đỡ người Rục trong thời gian dài.

Trước khi rời hang đá, cuộc sống của người Rục dựa vào thiên nhiên, họ để tóc dài quá lưng, không mặc áo quần, dùng lá cây làm dụng cụ che thân, thức ăn chủ yếu là lá cây, quả cây rừng, các loại động thực vật trong rừng như chuột, ốc lèn, ếch nhái. Họ vẫn làm ra lửa để nướng thức ăn, lấy đá làm dụng cụ chặt cây, dùng cây rừng làm dụng cụ săn bắt hái lượm. Đặc biệt, đồng bào Rục sáng tạo ra cách làm rượu Đoác bằng cây rừng tự nhiên, đây là cây có hình dáng như cây dừa.

Sau khi rời hang đá về sống ở bản làng, thời điểm ấy kinh tế vẫn còn khó khăn nên đồng bào Rục chưa được sự đầu tư nhiều của Đảng, Nhà nước, do đó mặc dù về sinh sống trong những căn nhà gỗ nhỏ, đơn sơ do bộ đội biên phòng và Nhà nước hỗ trợ xây dựng, nhưng đồng bào vẫn giữ lối sống săn bắt, hái lượm. Đồng bào dần biết trồng lúa trên rẫy, nhưng khi trồng lúa họ chỉ gieo hạt xong rồi thả đó, không chăm sóc mà bỏ mặc cho tự nhiên, đến mùa lúa chín vào thu hoạch, nên năm được mùa, năm lại mất mùa. Nhiều gia đình vẫn lén trốn vào hang đá để sinh sống, lấy lá chuối rừng làm chiếu, làm chăn đắp trong những ngày mùa đông.

Mãi đến năm 1990, nhiều kênh báo chí đưa tin về cuộc sống của đồng bào Rục, Đảng và Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để ổn định cuộc sống cho đồng bào, trước tiên là xẻ núi, mở con đường vào bản với kinh phí đầu tư 12,7 tỷ đồng, tiếp đó là đưa điện sáng về với đồng bào với kinh phí 2,6 tỷ đồng, xây dựng trạm quân dân y với hơn 1,3 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà ở, xây nhà bê tông thay những ngôi nhà gỗ, xây dựng trường học, mở các lớp xóa mù chữ. Từ chỗ 34 người được phát hiện trong hang đá, nay đồng bào Rục đã có hơn 600 người, sinh sống ổn định tại các bản làng, cuộc sống dân thay đổi.

Cách đây hơn 10 năm, Bộ đội biên phòng hỗ trợ bà con làm lúa nước, trồng ngô, trồng rừng, từ chỗ săn bắt hái lượm, nay người Rục đã thuần thục làm lúa nước, biết trồng rừng kinh tế, chăn nuôi. Đặc biệt, 100% con em được đến trường. Đã có người Rục đầu tiên làm thầy giáo, có nhiều em theo học tại các trường Đại học.

Đường vào với đồng bào Rục

Đồng bào Rục sinh sống tập trung ở bản: Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ của xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa. Nếu bạn xuất phát từ thành phố Đồng Hới, đi khoảng 100km theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây theo hướng về khu Cửa khẩu quốc tế Cha Lo lên huyện Minh Hóa là sẽ đến xã Thượng Hóa, tiếp tục rẽ trái và chỉ có con đường độc đạo duy nhất vào với đồng bào Rục.

Nếu bạn đi vào mùa hè sẽ rất thuận lợi vì thời tiết mát mẻ, không khí trong lành, các khe suối đều cạn và chảy êm đềm, mùa này đồng bào làm lúa, trồng ngô, khoai sắn. Nếu đi vào mùa mưa cũng rất thú vị, mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11, đỉnh điểm nhất là tháng 10, đồng bào Rục sẽ bị cô lập. Nước dâng cao và không thoát kịp, con đường vào với đồng bào Rục có nhiều đoạn bị ngập sâu, có thời điểm ngập gần 4m, cả khu rừng nhiệt đới bị nhấn chìm trong nước, thời gian ngập khoảng 15 – 30 ngày nước mới rút. Thung lũng Hung Trâu, nơi bị ngập nước sẽ là nơi lý tưởng để bạn chèo thuyền, đi đò để vào bản.

Chèo kayak vào mùa mưa sẽ là trải nghiệm độc đáo khi đến Thung lũng Hung Trâu.
Chèo kayak vào mùa mưa sẽ là trải nghiệm độc đáo khi đến Thung lũng Hung Trâu.

Phương tiện di chuyển đến các bản làng người Rục

Đường giao thông thuận lợi nên bạn có thể đi bằng xe máy, ô tô đều được. Tuy nhiên tránh đi xe máy vào mùa mưa vì đường dễ trơn trượt, sạt lở đất, đèo dốc nguy hiểm.

Những trải nghiệm thú vị khi đến với đồng bào Rục

Những trải nghiệm đặc sắc khi bắt đầu hành trình khám phá văn hóa của người dân tộc Rục không chỉ là việc tìm hiểu về cuộc sống đặc biệt của họ mà còn là việc thấu hiểu và ngưỡng mộ ngôn ngữ riêng đậm chất văn hóa.

Việc tham gia cùng bà con lên rừng tìm cây Đoác để làm rượu Đoác không chỉ là một trải nghiệm về thức uống độc đáo mà còn là cơ hội tuyệt vời để hòa mình vào tự nhiên, tìm thấy những thảo dược quý báu và khám phá hương vị đặc trưng của đồng bào.

Việc thưởng thức những món ăn truyền thống của họ cũng là một phần quan trọng của trải nghiệm này. Từ cơm bồi, ốc đực đến những món nướng từ thú rừng, món canh măng rừng và món chấm cheo độc đáo – tất cả đều mang đậm hương vị của vùng đất rừng núi này.

Nếu bạn đến thăm đồng bào Rục vào dịp 15/1 âm lịch hàng năm, sẽ được trải nghiệm lễ hội cầu an của đồng bào. Mỗi năm đồng bào chọn 1 trong 3 bản để tổ chức luân phiên. Lễ hội gắn liền với tục giữ lửa của đồng bào, sử dụng 07 viên đá được nhặt từ trên núi, dùng lá cây Xà là mọc trên các vách núi và nước suối để tẩy uế trước khi vào lễ cầu an. Theo tín ngưỡng của đồng bào, các hang động, khe suối, nhà cửa, đất đai đều có thần linh cai quản, do đó lễ cầu an nhằm cầu mong các thần linh phù hộ, che chở, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp.

Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Rục.
Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Rục.

Lời khuyên cho bạn khi đến với đồng bào Rục

Vì đây là bản làng nằm biệt lập, nên bạn cần có sự hỗ trợ từ người dân bản địa hoăc bộ đội biên phòng. Nhất là cần liên hệ bộ đội biên phòng trước khi vào bản vì đây là địa bàn biên giới.

Nên tìm hiểu điều kiện thời tiết để có sự chuẩn bị đồ dùng cá nhân.

Chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho chuyến đi vì có thể bạn không phù hợp với các món ăn của đồng bào.

Nên lên kế hoạch khám phá cuộc sống của đồng bào trong 1 ngày để đảm bảo chuyến đi của bạn được trải nghiệm hết những điều thú vị ở đây.

Không có nhà nghĩ, nhà hàng ở bản làng, nên bạn cần bố trí thời gian hợp lý để ra khỏi bản vào lúc chiều muộn và đi tìm nơi nghỉ ngơi.

Một số địa chỉ Nhà hàng, khách sạn nếu bạn cần

Sau khi rời các bản làng đồng bào Rục, bạn di chuyển thêm gần 15km về hướng Tây sẽ có các nhà hàng dọc hai bên đường để bạn lựa chọn. Hoặc về trung tâm thị trấn Quy Đạt có Nhà hàng Hải Huệ, nhà hàng Vũ Thảo. Khách sạn Cao Ánh, nhà nghỉ Hoàng Lâm, nhà nghỉ Hà Quỳnh, Sơn Ca, Quân Vũ.

Những điểm du lịch gần các bản làng người Rục

Sau khi khám phá các bản làng người Rục, bạn di chuyển trong vòng bán kính 30km sẽ đến Làng du lịch tốt nhất Thế giới – làng Tân Hóa, nơi có hệ thống hang động Tú Làn, có khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge để bạn nghỉ ngơi và ăn uống, có Homestay làm bằng những ngôi nhà nổi của người dân. Bạn có thể đến thăm Đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt ở xã Minh Hóa, Thác Bụt – Giếng Tiên xã Yên Hóa, Cổng trời – Cha Lo xã Dân Hóa….

Trải qua gần 65 năm rời hang đá, cuộc sống của đồng bào Rục một trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất của nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi, bao thế hệ con cháu người Rục sinh sống được đến trường, thay đổi nếp sống, tư duy. Nhưng bản chất hoang dã trong họ vẫn không thay đổi, bởi vậy đồng bào rất nhanh nhẹn trong lao động sản xuất, nhưng lại e ngại trong giao tiếp với người lạ, việc tiếp thu các kiến thức không được nhanh như người dưới xuôi, và rất lạ lẫm khi nhìn thấy những điều mới mẻ. Tiếp xúc, cùng trò chuyện với đồng bào sẽ thấy suy nghĩ của họ thật giản đơn, không mơ ước giàu sang phú quý, chỉ cần ăn đủ no, mặc đủ ấm.

Quangbinh.travel

About Author

Trang web quangbinh.travel được tạo bởi một nhóm các tác giả có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của trang web được tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế của các tác giả, tham khảo các nguồn thông tin uy tín, và được cập nhật thường xuyên. Mục đích của trang web là cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về du lịch Quảng Bình.

You may also like

Phong Nha - Kẻ Bàng
Điểm du lịch

Khám phá những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình

Khám phá những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại Quảng Bình, nơi bạn có cơ hội
Đồi cát Quang Phú là một trong những đồi cát cao, rộng trùng điệp du khách có thể thử trò trượt cát, đi xe địa hình trên cát
Điểm du lịch

Cẩm nang du lịch Đồng Hới: Top điểm đến nổi bật và trải nghiệm độc đáo

Tìm hiểu về các điểm đến du lịch tại Đồng Hới, từ những hang động kỳ vĩ đến bãi biển